Bạn đang ở: Trang chủ / Góc bạn bè / Bài viết / Trịnh Công Sơn - Vết chân dã tràng: cần đúng luật!

Trịnh Công Sơn - Vết chân dã tràng: cần đúng luật!

- Webmaster cập nhật lần cuối 18/08/2009 21:30
Lê Duy thực hiện, vietnamnet.vn, 18/08/2009

Dịch giả Đoàn Tử Huyến.
Nguồn: VnExpress

"Tôi thấy đây là một hiện tượng không bình thường trong xã hội nhà nước pháp quyền chúng ta. Một khi ấn bản đã được nộp lưu chiểu và qua khâu “hậu kiểm” ở Cục Xuất bản thì nó được chính thức lưu hành toàn quốc và được pháp luật bảo trợ" - Ông Đoàn Tử Huyến.

Mới đây, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành Quyết định đình chỉ việc phát hành công trình Trịnh Công Sơn - vết chân dã tràng của tác giả Ban Mai, được NXB Lao động và Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây phối hợp ấn hành.

Lý do mà UBND tỉnh Bình Định đưa ra là tác phẩm này vi phạm Luật Xuất bản, một phần nội dung cuốn sách xuyên tạc sự thật lịch sử chiến tranh VN, xúc phạm những trí thức, nhạc sĩ khác…

Dịch giả Đoàn Tử Huyến, người trực tiếp biên tập cuốn sách này, đồng thời là Chủ tịch Trung tâm Văn hoá Ngôn ngữ Đông Tây, đơn vị liên kết xuất bản, cho biết:

- Cuốn sách Trịnh Công Sơn - vết chân dã tràng xuất bản từ tháng 8/2008, được phép phát hành đến nay đã tròn một năm. Trong thời gian qua, trong chừng mực tôi được biết, chỉ có ông Nguyễn Hoàn lên tiếng phê phán công trình này.

Rồi cách đây ít lâu, có người ở NXB Lao động nói với tôi rằng, nghe nói Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Bình Định có gửi công văn yêu cầu thu hồi cuốn sách này. Tôi gọi điện trực tiếp hỏi ông Chủ tịch Hội, ông ta trả lời là không có việc đó. Giờ đây, lại thấy báo chí đăng tin quyết định của UBND tỉnh Bình Định về việc cấm lưu hành cuốn sách này “trên địa bàn tỉnh vì có nội dung vi phạm Luật Xuất bản” (Báo Bình Định).

Tôi thấy đây là một hiện tượng không bình thường trong xã hội nhà nước pháp quyền chúng ta. Một khi ấn bản đã được nộp lưu chiểu và qua khâu “hậu kiểm” ở Cục Xuất bản thì nó được chính thức lưu hành toàn quốc và được pháp luật bảo trợ.


Ông Lê Huy Hòa - Giám đốc NXB Lao động cho biết: "Về cuốn sách này, sau khi phát hành, Cục Xuất bản đã gửi thông báo cho phát hành bình thường sau hậu kiểm, do vậy tỉnh Bình Định không có quyền thu hồi. Chỉ có điều, Cục Xuất bản có nhắc nhở là cách viết của tác giả trong cuốn sách đôi chỗ hơi khó hiểu, tái bản lần sau cần biên tập kỹ hơn!"

Trong trường hợp phát hiện “có nội dung vi phạm Luật Xuất bản”, thì chỉ duy nhất Cục Xuất bản là cơ quan cấp phép cho các hoạt động xuất bản mới có quyền ra quyết định (tạm đình chỉ, đình chỉ phát hành, thu hồi, tịch thu, cấm lưu hành, tiêu huỷ xuất bản phẩm vi phạm - mà cũng phải theo đúng trình tự thủ tục hành chính do luật pháp qui định).

Ngoài ra, các cơ quan cấp trên trực tiếp của Cục Xuất bản hoặc Toà án mới có quyền ra lệnh cho Cục Xuất bản xử lí việc đó. Các địa phương không có quyền đình chỉ việc phát hành những ấn phẩm không thuộc quyền mình quản lí, đã được phép lưu hành trong cả nước, mà chỉ có trách nhiệm phát hiện các vi phạm, đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lí.

- Nhưng như báo chí đưa tin, Hội đồng thẩm định tỉnh Bình Định cho rằng, tác phẩm Trịnh Công Sơn - vết chân dã tràng có nội dung thiếu khách quan; xuyên tạc sự thật lịch sử; xúc phạm nhiều trí thức, nhạc sĩ khác...

Là người biên tập cuốn Trịnh Công Sơn - vết chân dã tràng, tôi không tin chuyện này. Đây là một luận văn thạc sĩ của tác giả Ban Mai (tên thật là Nguyễn Thị Thanh Thuý, hiện làm việc tại ĐH Quy Nhơn). Luận văn của chị đã được bảo vệ trước cả một hội đồng chuyên ngành, gồm nhiều giáo sư, tiến sĩ có uy tín chuyên môn, vững vàng chính trị.

Trong quá trình xuất bản, cuốn sách này cũng được cân nhắc, biên tập, đọc duyệt kĩ lưỡng, nên khó có thể mang những “tội tày trời” như qui kết ở trên. Theo tôi, ở đây chỉ là quan điểm, cách nhìn khác nhau đối với một vấn đề - cụ thể là đối với nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn (chương IV của cuốn sách viết về Trịnh Công Sơn và chiến tranh VN - chỉ hơn 10 trang - nghiên cứu về ca từ nhạc phản chiến Trịnh Công Sơn). Đây là một vấn đề học thuật, mà khi trao đổi về học thuật thì phải dùng học thuật để nói chuyện chứ không nên qui chụp chính trị.

Tôi biết, trong bài báo của mình, ông Nguyễn Hoàn có ý buộc tội tác giả Ban Mai coi cuộc chiến tranh (mà Trịnh Công Sơn nói lời phản chiến) không phải cuộc chiến tranh chính nghĩa, chống xâm lược. Đây là ý kiến của cá nhân ông Hoàn, và tác giả Ban Mai đã viết bài trả lời về vấn đề này. Nhưng như tôi đã nói, đó là ý kiến riêng một mình ông, còn nếu đây quả là một hiện tượng đáng phê phán, thì chắc chắn phải có rất nhiều người hưởng ứng, dân ta đông lắm, hơn 80 triệu người cơ mà, cũng đầy tinh thần cảnh giác cả chứ.

- Trước quyết định cấm lưu hành cuốn sách của UBND tỉnh Bình Định, là người chịu trách nhiệm biên tập, ông sẽ làm gì?

Là biên tập viên, chịu trách nhiệm về nội dung cuốn sách trước nhà xuất bản và trước pháp luật, nếu các cơ quan có thẩm quyền theo đúng pháp luật kết luận cuốn sách sai đến đâu thì tôi xin chịu xử lí kỉ luật đến đấy. Mặt khác, tôi cũng có trách nhiệm bảo vệ nó khi nó bị xâm phạm. Như tôi đã nói, việc UBND tỉnh Bình Định ra quyết định cấm lưu hành cuốn sách, dù chỉ trên địa bàn tỉnh, là sai trái, xâm phạm đến quyền lợi của ấn phẩm, tác giả, nhà xuất bản Lao động và đơn vị liên kết.

Các địa phương không thể không thích là cấm, mà phải ứng xử đúng theo pháp luật quốc gia. Tôi nghĩ, dư luận và các cơ quan chức năng cần lên tiếng về hành vi này. Có thể, tôi sẽ đề nghị với nhà xuất bản Lao động xem xét, nếu cần thiết sẽ khiếu nại, khởi kiện đối với cơ quan ra lệnh cấm phát hành cuốn sách.

Lê Duy (thực hiện)
vietnamnet.vn, 18/08/2009

Các thao tác trên Tài liệu