Bạn đang ở: Trang chủ / Góc bạn bè / Bài viết / Về Miền ca hát

Về Miền ca hát

- Webmaster cập nhật lần cuối 15/10/2011 09:55
Lê Hải, Kornelimünser, 10.09.2011

Thượng Ðế quý trọng tôi khi tôi làm việc nhưng Người sẽ yêu mến tôi khi tôi ca hát
Rabindranath Tagor


Ở đó,

tôi được nghe âm nhạc của Trịnh Công Sơn, trình bày qua ba giọng hát của một gia đình „ngoại đạo cầm ca“.

Thanh Hải - người bạn hát rong một thời của Trịnh Công Sơn, một thời khó khăn, một thời khốn đốn cho cả người sáng tác lẫn người thể hiện. Thanh Hải vẫn thế, chất giọng mộc trầm ấm truyền cảm và tiếng đàn guitar thùng lúc mạnh mẽ, lúc buông lơi của anh, đưa tôi về khung trời sân khấu của hội trí thức yêu nước tại Sàigòn cách đây 30 năm. Có lẽ để khán giả được nghe một Thanh Hải khác nên đêm nay anh đã không hát lại những ca khúc đã đóng dấu tên mình như „Chiều trên quê hương tôi“ và „Em còn nhớ hay em đã quên“, đã làm rơi lệ bao nhiêu khán giả thời ấy. Tôi tiếc nhưng tự nghĩ , sao ta chỉ muốn thời gian đứng lại khi cuộc đời đã qua một chặng đường khá dài. Quả thật, bài hát „Cũng sẽ chìm trôi“ được anh hát acapella với độc tiếng mõ cốc cốc sau mỗi âm đệm „í a, ối a“ và tiếng chuông mỗi cuối câu, thật tuyệt vời. Một sáng tạo độc đáo sau bao năm hát nhạc TCS của Thanh Hải, cách trình bày nầy đã bật được chất ca trù và Thiền tính của bài.

Nhật nguyệt (í a) trên cao, ta ngồi (ối a) dưới thấp
Một giòng (í a) trong veo, sao lòng (ối a) còn đục
Bầy vạc (í a) bay qua, kêu mòn (ối a) tịch lặng
Đường đời (í a) không xa, sao chồn (ối a ) gối chân?

Như An - người bạn đời của Thanh Hải – trong đời thường và trong đời sống văn nghệ – cùng Hướng Dương – con gái Thanh Hải – như một điểm nhấn nhẹ nhàng trong trẻo của buổi diễn. Họ đã đi cùng anh, hát cùng anh trong suốt cuộc đời trình diễn âm nhạc Trịnh Công Sơn. Năm nay, trong những ngày tưởng niệm 10 năm ngày mất nhạc sĩ TCS, được nhìn họ trình diễn trên cùng một sân khấu như thế nầy, tôi hiểu thêm ý nghĩa những chữ „thủy chung gắn bó“ của tình đời và tình nghệ thuật.

Ở đó,

tôi được trở về tắm mát trong dòng sông âm nhạc VN với nhiều ca khúc như „Thuyền viễn xứ“, „Con đường tình ta đi“ của Phạm Duy, „Giấc mơ hồi hương“ của Vũ Thành, „Thu hát cho người“ của Vũ Ðức Sao Biển hay „Ðời đá vàng“ của Vũ Thành An,… vân vân và vân vân

được trình bày qua tiếng hát của Thu Thủy, Kim Cương, Thục Hiền, Loan hay của Dy của Thành…

họ là những người thích hát, hát cho mình, hát cho người, hát cho đời. Không thể dùng từ „ca sĩ“ theo nghĩa nghề nghiệp để gọi họ, nhưng có lẽ ca sĩ chưa chắc đã say mê hát hơn họ.

Ở đây,

trong khán phòng cổ kính của „tu viện quốc gia“ khu Kornelimünster thành phố Aachen, được trang trí thật trang nhã, ấm cúng, người hát và người nghe - đồng hành đi, đồng hành trôi, trong thanh âm lắng đọng của âm nhạc VN - một kỷ vật, một báu vật mà hầu như người Việt xa xứ nào cũng gìn giữ trong tim óc mình.

Ở đây,

tôi được thấy, được biết, thế nào là nỗ lực để thực hiện một đêm thính phòng nhạc Việt cho một nơi chốn mà khán giả của nó rất ít hoặc sống rải rác khá xa. Ngoài những bàn tay, khối óc, thời gian của rất nhiều người, tôi cảm được nỗi đam mê trong trái tim của họ.

Ở đây,

tôi được quen những người thầy thuốc kỳ lạ - họ là chồng, là vợ, là con của nhau - họ nghĩ suy, họ thực hiện, họ biên tập chuơng trình, họ viết, họ vẽ, họ khuân, họ vác,…họ làm tất cả những việc không phải chuyên môn của họ, làm hết sức mình để đem „lời hát ca cho trần gian“ (1).

tôi biết, sau khi rời trường thuốc, đức tính cao cả nhất trong lời thề Hippocrates là „tận tụy“ họ đã mang theo mình không chỉ trong đời nghề.

Và họ hát

Sống trong đời sống
Cần có một tấm lòng
Ðể làm gì em biết không? (2)
... ... ...

Xin ghi lại đây một vài dòng „để gió (không) cuốn đi“ (2)

Kornelimünser, 10.09.2011
Lê Hải


(1) Lời trong bài „Cho đời chút ơn
(2) Lời trong bài “Ðể gió cuốn đi
Hai bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

Các thao tác trên Tài liệu