Bạn đang ở: Trang chủ / Góc bạn bè / Bài viết / .... "xưa rồi Diễm"

.... "xưa rồi Diễm"

- Webmaster cập nhật lần cuối 17/09/2011 09:29
Long não, 16/09/2011

Vào một chiều thứ bảy đẹp trời một người bạn rủ tôi đi xem ca nhạc thính phòng với chủ đề "Thanh Hải và Trịnh Công Sơn". Tôi vốn mê nhạc Trịnh Công Sơn từ thuở còn "làm học trò không sách vở cầm tay, có tâm sự đi nói cùng cây cỏ". Nhà nghèo chỉ có cái máy cassette cũ, phải dùng tăm quay "tiếp sức" máy mới chạy nổi, nên đôi lúc nghe nhạc Trịnh Công Sơn mà nó nhão nhão như nghe... nhạc vàng (xin ghi chú rằng nhạc vàng tôi nói ở đây là loại nhạc với lời ca trữ tình bình dân được viết trên những giai điệu nhẹ nhàng của rumba, boléro, ballade mà các ca sĩ tiêu biểu thời đó là Chế linh, Duy Khánh, Thanh Tuyền v.v...).

Buổi văn nghệ "thính phòng" đúng như nghĩa của nó được tổ chức trong một căn phòng nhỏ, trang trí nhã nhặn với một tấm phông vải vẽ hình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, đơn sơ như cuộc đời của người nhạc sĩ tài ba nhưng đã để lại một kho tàng âm nhạc vô cùng phong phú. Quả thật Thanh Hải đã không phụ lòng tôi. Sau khi yêu cầu người hướng dẫn chương trình cũng như khán thính giả đừng gọi anh là ca sĩ vì anh tự cho mình không xứng đáng với danh hiệu này (điều mà tôi không đồng ý với anh lắm sau khi nghe anh hát), Thanh Hải kể chúng tôi nghe những kỷ niệm của anh trong thời gian anh cùng tham gia sinh hoạt văn nghệ với Trịnh Công Sơn. Mỗi bài anh hát chứa đầy một vùng trời kỷ niệm của anh và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Tôi ước gì mình có được diễm phúc đó để biết tại sao trong bài "Tình khúc Ơ-Bai" có đoạn

Ta đi bằng nhịp điệu
Nhịp điệu không giống nhau
Ta đi bằng nhịp điệu
Nhịp điệu sao khác màu

Bà xã anh Thanh Hải kể lại rằng có lần đi hát ở Bảo lộc, Trịnh Công Sơn đi theo các cô gái tây nguyên lên núi hái chè. Vì không phải là dân miền núi nên Trịnh Công Sơn không theo kịp các cô, đến khi bắt kịp Trịnh Công Sơn nắm lấy tay một cô thì cô gái ấy thẹn thùng hất tay Trịnh Công Sơn ra và nói "ơ bai", có nghĩa là "không được đâu". Nhẹ nhàng một lời trách bâng quơ của cô sơn nữ. Nhịp nhàng một bài ca trữ tình của Trịnh Công Sơn.

Trong những câu chuyện bên lề của Thanh Hải có một kỷ niệm riêng của anh là thời đó mỗi lần anh đi hát đều phải dắt cô con gái nhỏ theo như anh nói đùa "đó là chiêu của vợ tôi đấy", để thỉnh thoảng lại gặt được một trận cười của khán thính giả khi con gái anh lững thững bên anh trên sân khấu. Cô bé ngày xưa bây giờ cũng chính mình lên hát nhạc Trịnh Công Sơn, chỉ khác một chút là con cô ấy còn bé quá, chưa biết đi nên Thanh Hải không có dịp nhìn lại hình ảnh của anh hơn 30 năm về trước.

Nhạc của Trịnh Công Sơn thường được trình bày qua các giọng ca nữ như Khánh Ly, Lệ Thu v.v. Nam ca sĩ thì ít hơn, chỉ vài người hát nhạc Trịnh Công Sơn "đạt" như Tuấn Ngọc chẳng hạn. Còn Thanh Hải ? Giọng anh cao mà ấm, tôi được nghe trọn từng lời nhạc của Trịnh Công Sơn, khác với nhiều "ca sĩ" bây giờ, hát giọng líu nghíu, không phát âm rõ lời nên "em đã có ai rồi" (Nụ cười em thiên thần, Trường Huy) đôi khi lại nghe ra là "em đã có ... thai rồi". Rõ chán mớ đời.

Trong đêm văn nghệ cũng có trình diễn vài ca khúc da vàng (Ca dao mẹ) hay những bài nhạc về thân phận con người (Cát bụi, Một cõi đi về) nhưng có lẽ với tôi quyến rũ hơn hết vẫn là những bài tình ca của Trịnh Công Sơn. Thanh Hải đã đưa tôi về với "chiều tím loang vỉa hè" (Nhìn những mùa thu đi), với "cây bàng lá đỏ" (Nhớ mùa thu Hà nội), với tình yêu được vẽ bằng hình ảnh của "gió hôn tóc thề" (Nhìn những mùa thu đi), hay "em đi về cầu mưa ướt áo, đường phượng bay mù không lối vào" (Mưa hồng).

Cám ơn anh đã cho tôi một thoáng nhớ về những kỷ niệm của thuở .... "xưa rồi Diễm" (1).

Long não
16/09/2011




(1) một cách nói bóng gió của người Nam, ám chỉ mọi việc qua lâu lắm rồi qua tiêu đề bài hát Diễm xưa của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

Các thao tác trên Tài liệu