Bạn đang ở: Trang chủ / Góc bạn bè / Vĩnh biệt anh Sơn / Hai kỷ niệm nhỏ

Hai kỷ niệm nhỏ

- Webmaster cập nhật lần cuối 23/06/2014 18:49
Cao Huy Thuần (04.2001)

Trịnh Công Sơn dùng nhiều từ rất ngộ, nhiều lắm. Chẳng hạn hai chữ cuối trong câu cuối của "Chiều trên quê hương tôi":

Chiều trên quê hương tôi
Với bao nhiêu điều đã trôi qua
Có riêng em cuộc đời sẽ nhớ
Nét quê hương nghìn năm vẫn là

"Vẫn là" là thế nào? Vẫn là một trời mưa bay? Vẫn trên sông bờ xa sương khói? Vẫn nắng phai trên màu ngói non tươi? Giọt chiều trên lá như mắt người?

Sơn rất thích thú với hai chữ này. Thích thú như đã dùng như thế trong một bài khác, rất thơ mộng, bài "Nguyệt Ca", vẫn hai chữ cuối, câu cuối:

Từ khi trăng là nguyệt tôi nghe đời gõ nhịp ca
Từ khi em là nguyệt cho tôi bóng mát thật là

"Thật là" là thế nào? Là vườn xưa lá xanh tươi từ khi trăng là nguyệt? Là vườn xưa em đến nay trăng quá vô vi? Là vườn xưa vừa mệt vì cây đam mê hết nhánh? Hay là mát như phút đó tình cờ?

Hè 1986, tôi có ghé thăm Sơn một buổi tối tại nhà. Anh khoe biết một quán Huế ngon lắm và cho người đi vội ra phố mua một món đặc biệt Huế để mời tôi. Người nhà đi, rồi về tay không, bởi vì hôm đó là ngày rằm. Ngày rằm, người Huế ở Sài Gòn không nấu món ăn mặn. Tôi nói tôi tưởng người Huế vào Sài Gòn sẽ đổi khác, ai ngờ ở đâu người Huế vẫn là…Tự nhiên như thế thôi, câu chuyện lạc bước vào chốn thâm sâu của "thật là" và "vẫn là". Tôi hỏi: Sơn có để ý đến chữ "như" của nhà chùa không? Như, là như vậy đó. Chân lý như vậy đó. Ðừng nói gì thêm. Nói thêm chút gì, lời nói sẽ làm sai mất ý nghĩ hiện ra trong tư tưởng.

Chuyện đang vớ vẩn như thế thì Bác gái, mẹ Sơn, bước vào phòng. Bác đi cúng rằm về, mặc áo lam, giống như mẹ tôi. Bác ngồi với chúng tôi một lát, góp chuyện vui vẻ, nhắc lại thời 1963-64. Chắc Sơn không biết đâu nhỉ, khi tôi ra về, Bác một mình đưa tôi ra tận cổng và ôm tôi vào lòng. Tôi ôm chiếc áo lam của Bác, tưởng chừng như ôm luôn cả cái quán ăn Huế ngày rằm không sát sanh.

-------

Vài năm sau, tôi được bạn bè đề nghị góp phần giới thiệu nhạc Trịnh Công Sơn tại Nhà Việt Nam trong dịp Sơn qua Pháp. Hôm đó, có cả em gái Sơn, chị Vĩnh Trinh, từ Canada qua. Tất nhiên chị sẽ hát, nhưng vừa bước chân vào Nhà Việt Nam, tôi đã nghe tin dữ: chị bị cảm, khan giọng.

May quá, khi chương trình sắp bắt đầu, tôi thấy chị Vĩnh Trinh bước ra và tôi an tâm. Trời nóng, chị bận áo cánh ngắn, hở nửa lưng, nửa chiếc lưng tròn như trong một câu hát Trịnh Công Sơn. Tôi an tâm, vì nếu cảm nặng chắc chị phải đến với cái mền. Chị Vĩnh Trinh đẹp và lưng chị yêu kiều. Tôi ngồi phía trên với Sơn, nói đôi ba chuyện, rồi mời chị Vĩnh Trinh hát. Ðó là lần đầu tôi nghe chị hát, và tôi không ngờ chị hát hay đến thế. Trong tiếng hát của chị, bỗng tôi nghĩ đến một câu trong bài "Quỳnh Hương":

Em mang cho ta một chút tình
Miệng cười khúc khích trên lưng

Lại một ý thật ngộ của Trịnh Công Sơn. Anh nghe tiếng cười từ trên lưng, không phải trên môi. Sao anh tài tình thế! Tôi chắc chắn giọng hát óng ả mà tôi đang nghe mê man chỉ có thể ngân nga từ trên lưng ấy mà thôi.

Như mọi người, tôi biết Trịnh Công Sơn được gia đình ôm ấp, bảo bọc thế nào. Nhạc Sơn tràn ngập tình yêu, giai nhân nhiều như sao trên trời. Nhưng tất cả sao họp lại cũng không sáng như trăng, không sáng như trăng rằm mà các cô em gái của Sơn đã dâng tặng anh. Trong yêu kiều của vô vàn người đẹp mà Sơn ca ngợi, tôi thấy thấp thoáng nét yêu kiều của các cô em gái của Sơn. Và bây giờ Sơn mất, nghe nhạc Sơn mấy hôm nay, tôi càng thấy bay bay màu áo lam của Bác, của mẹ Sơn, trong rất nhiều bài hát quen, không riêng gì trong "Ðóa Hoa Vô Thường" hay trong những vô thường khác mà Sơn đã dùng chiếc đũa phù thủy để gõ thành thơ:

Em đi bỏ lại con đường
Bờ xa cỏ dại vô thường nhớ em

Cao Huy Thuần
Tháng 4-2001

Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Cao Huy Thuần