Bạn đang ở: Trang chủ / Góc bạn bè / Vĩnh biệt anh Sơn / Nơi nghìn trùng con gió bay

Nơi nghìn trùng con gió bay

- Webmaster cập nhật lần cuối 23/06/2014 19:28
Lữ Quỳnh. San Jose, cuối tháng 5 - 2001.


Trịnh Công Sơn mất ngày 01.04.2001. Như thế anh bước qua thế kỷ 21 được tròn 3 tháng. Vượt qua năm 2000 và bước vào thế kỷ 21 là niềm vui của anh, cũng là niềm vui bạn bè mừng sức khỏe anh. Chỉ tiếc rằng thế kỷ này không được vinh dự giữ chân anh lâu, không còn hân hạnh ghi dấu những ca khúc mới Trịnh Công Sơn nữa.

Năm 2000 trở thành cái mốc thời gian khắc nghiệt với Sơn từ nhiều năm trước. Nhìn quanh nhau tuổi đời đã xế, sức khỏe đã mòn, dù có thách đố thời gian đến đâu bằng sự sáng tạo miệt mài, yêu thương cuồng nhiệt, cố kéo ngày dài ra đến 1, 2 giờ sáng hôm sau để tham lam nhìn ngắm cuộc đời, cỏ cây trời đất, thì cũng chẳng làm thay đổi được gì cái khoảnh khắc 365 ngày ấy. Rất nhiều lần đi chơi với nhau, Sơn luôn nói: Tụi mình phải vượt qua năm 2000, chỉ còn mấy năm nữa thôi.

Chỉ có mấy năm thôi, thời gian tưởng chừng quá ngắn ngủi ấy, thế mà Sơn đã bị rơi rụng quá nhiều bạn bè. ở Hội Âm Nhạc Thành Phố, nơi anh thường lui tới làm việc mỗi ngày, các nhạc sĩ Xuân Hồng, Diệp Minh Tuyền, Ngô Huỳnh, Phạm Trọng Cầu đã lần lượt ra đi. Trước đó, năm 1995 anh Văn Cao ở Hà Nội, và gần đây Thái Bá Vân, Hoàng Thiệu Khang... Nhìn lại quanh mình sao bạn bè vắng đi nhanh quá, Sơn bắt đầu bị ám ảnh nhiều về sự bấp bên của đời sống. Những cái chết được gọi tên quá nhịp nhàng.

Một cú điện thoại nửa đêm: Quỳnh à, anh Văn Cao mất rồi. Hoặc: Xuống ngay đi, Mây vừa gọi vào, Thái Bá Vân...Hoàng Thiệu Khang kêu đau ngực, một mình lấy taxi vào bệnh viện Nguyễn Trãi buổi chiều, thì mới tối, điện thoại reo: Anh Khang đưa về nhà rồi, đêm nay liệm. Sao đời sống phù du thế. Mới ngồi quán với nhau tối qua mà. Khang rất khoẻ mạnh, chưa một lần đi bác sĩ, dạy học suốt tuần không mỏi, ăn uống điều độ, luôn nói với Sơn bằng giọng giả Huế: Sơn lo sức khỏe của Sơn đi. Còn moa thì đủ sức rồi, năm 2000 với thế kỷ 21 có nghĩa chi mô. Thế mà anh ra đi tức tưởi một buổi chiều tháng 8, chỉ còn 4 tháng nữa tới năm 2000!

Sau mỗi cú phone nghiệt ngã như thế, bạn bè kéo đến bên Sơn. Và lần nào cũng thế, một chai Chivas mới được mở ra, rót một ly cho người vừa nằm xuống, một cây nhang được đốt lên cắm vào cái chai nhỏ. Bạn bè lần lượt cụng ly với người vừa mất. Im lặng. Khói hương tỏa quanh bàn và những hồi ức làm mọi người cay mắt. Ngoài trời đêm dày đặc. Gió rúc vào vòm hoa giấy cổ thụ trước nhà.

Một buổi sáng ngồi ở quán Văn Nghệ đường Trần Quốc Thảo thấy nhạc sĩ Ngô Huỳnh đạp xe đi ngang, Sơn chỉ anh ta và nói: Ngô Huỳnh bị gan nặng lắm nghe không qua khỏi, hôm nào tụi mình ngồi với anh một bữa. Ngô Huỳnh tác giả bài Con Kênh Xanh Xanh. Và bữa rượu chưa kip mời thì được tin anh mất.

Từ đó ra đường gặp một người vẫy tay, mình phải đưa tay chào vội. Làm được gì cho nhau thì chớ chần chừ. Vì đời sống nhiều bất trắc quá. Để không bao giờ ân hận bởi một sự lười biếng cỏn con, một vô tình không đáng có.

Trịnh Công Sơn trầm mình trong suy tư về cái cõi tạm của đời người. Ai cũng phải một lần chào vĩnh viễn nhân gian. Nhưng giã từ cách nào đây. Quỹ thời gian còn ít, nên phải liệu mà chi tiêu hợp lý. Từ đó những bài hát của anh là lời tỏ tình với cuộc sống, lời nhắn nhủ thầm kín về những nỗi niềm tuyệt vọng, và cũng là một nỗi lòng tiếc nuối khôn nguôi đối với buổi chia lìa cùng mặt đất mà anh đã một thời chia xẻ những buồn vui cùng mọi người. Trong bài Tôi Ơi Đừng Tuyệt Vọng, anh nói lên lòng yêu tha thiết cuộc sống cùng nỗi tuyệt vọng khốn cùng của phận người: Tôi là ai mà còn khi dấu lệ. Tôi là ai mà còn trần gian thế. Tôi là ai, là ai...mà yêu quá đời này!

Ca khúc của anh gắn liền với cảm xúc máu thịt. Bằng tâm hồn rất nhạy cảm, anh ghi nhận từng rung động để rồi dùng thứ ngôn từ phù thủy của mình viết ra.

Em Còn Nhớ Hay Em Đã Quên, Chiều Trên Quê Hương Tôi, Huyền Thoại Mẹ, Xin trả nợ người, Hoa Xuân Ca, Con Mắt Còn Lại, Bống Bồng ơi... là những ca khúc tôi từng được anh chia sẻ với.

H. trong Hoa Xuân Ca là tên người con gái Hà Nội xinh đẹp ở cạnh nhà Tôn Thất Văn, một họa sĩ nổi tiếng về tranh lụa, nơi mà mỗi tuần bạn bè kéo về ăn uống vui vẻ. H thường xưng hô với Sơn là Monsieur và em. Một buổi chiều tôi chở anh về nhà Văn trên chiếc P.C sơn màu vàng cam (mà Phạm Trọng Cầu gọi là màu nắng), anh đã dùng vỏ bao thuốc lá viết lên lưng tôi. Lúc xuống xe, anh chép lại trên giấy những dòng nhạc và nhẩm hát: Cây sẽ cho lộc và cây sẽ cho hoa...Tôi nói chắc anh đặt tên bài này là Hoa ca? Sơn nói không, mình đặt là Xuân Ca. Trong Hoa Xuân Ca có hai câu rất hay và rất tượng hình:

Em mướt xanh như ngọc mà tôi có đâu ngờ
Em suối kia rất ngọt và tôi đứng hai bờ.

Bài Con Mắt Còn Lại, anh lấy ý từ hai câu thơ của Bùi Giáng: Còn hai con mắt, khóc người một con. Hai lời đầu được viết trong buổi chiều uống rượu ở nhà Tôn Thất Văn, làng Báo chí. Anh em hát lui hát tới bài này rất vui. Lúc ra về, trời tối, rượu thấm, Sơn ngồi sau vỗ vai tôi: Quỳnh à, mình ghé chỗ Quế H. đi. Quế H. đang trọ ở nhà khách Bộ Đại Học ngay Hồ Con Rùa. Tại đây, Sơn lấy Con Mắt Còn Lại ra, cười hát với nhau. Rồi cảm hứng thế nào anh viết luôn lời 3 tại chỗ. Lấy phone gọi hát cho bạn bè nghe lời mới giữa đêm khuya khoắt. Con Mắt Còn Lại để lại nhiều kỷ niệm rộn ràng nhất.

Ca khúc mới mà rất tình cuối cùng của Sơn là 3 bài Bống viết cho Hồng Nh. Bống Không Là Bống, Thuở Bống Là Người và Bống Bồng ơi. Có thể nghe rõ tâm trạng anh trong mỗi ca khúc này. Bống 1 hân hoan bao nhiêu, Bống 2 nhẹ nhàng thơ mộng bao nhiêu, thì Bống 3 buồn bã lạ lùng.

Nắng vàng em đi đâu mà vội
Mà vội nắng vàng nắng vàng ơi
Em đi đâu mà vội mà vội
Bống này Bống nhỏ nhoi
Ngày Bống mẹ bồng nhẹ quá tơ tằm
Lay nhẹ bống bồng bông
Lay nhẹ đoá hồng nhung.

Bống Bồng Ơi tha thiết, trách móc. Như một nỗi chia lìa. Buổi chiều trong căn phòng im ắng, Sơn ngồi một mình với ly rượu trước mặt, nhìn nắng hắt lên bức tường rêu. Nắng chập chờn bóng lá. Nắng đổi màu lạ lẫm từng lúc. Úa vàng rồi ửng trắng. Tâm hồn anh có lúc cũng chùng xuống trong màu nắng kia. Nắng trong Bống Bồng Ơi là thứ nắng của một buổi chiều như thế.

Trong cuộc nhân sinh thực hư mù ảo này, Trịnh Công Sơn đã vắt kiệt đời mình để sống. Lúc vui chơi giữa đời biết đâu nguồn cội, anh vẫn nghĩ đến cái hữu hạn của phận người và luôn linh cảm về sự chia lìa một ngày nào đó.

Đường trần rồi khăn gói.
Mai kia chào cuộc đời.
Nghìn trùng con gió bay.
(Những con mắt trần gian)


Có một ngày như thế anh đi.
Anh đi đâu về đâu về cõi chiêm bao.
Lìa những cơn đau.
Hồn tuyết bao la.
Anh đi đâu về đâu.
Ngọn gió hư hao thổi suốt đêm thâu.
Đời sẽ lên đênh nơi nao.
(Có một ngày như thế)

Tôi như nụ hồng nhiều khi ưu phiền chờ tôi rã cánh một lần
(Tự tình khúc)

Những hẹn hò từ nay khép lại.
Thân nhẹ nhàng như bay.
Chút nắng vàng giờ đây cũng vội.
Khép lại từng đêm vui.
(Như một lời chia tay)

Còn bao lâu cho thân tôi lưu đày chốn đây.
Còn bao lâu cho thiên thu xuống trên thân này.
Còn bao lâu cho mây đen tan trên hồn người.
Còn bao lâu tôi xa em xa anh xa tôi.
(Phúc âm buồn)

Và cuối cùng là hình ảnh một nấm mồ:

Hương trầm có còn đây.
Ta thắp nốt chiều nay.
Xin ngủ trong vòng nôi.
Ta ru ta ngậm ngùi.
Xin ngủ dưới vòm cây.

Vòng nôi hay vòm cây. Hay chỗ về cuối cùng của đời người. Đây là hình ảnh đầy ẩn dụ mà chỉ có một Trịnh Công Sơn mới vẽ lên thôi.

Trịnh Công Sơn đã bỏ lại bạn bè, người thân và hàng triệu khán thính giả vô cùng yêu mến anh để ra đi vĩnh viễn. Trịnh Công Sơn đã giã từ cái trần gian cay cực lẫn huy hoàng mà anh yêu tha thiết này để về với Nghìn trùng con gió bay. Tôi ao ước ở nơi ấy, vẫn có những sớm mai ửng hồng hay những hoàng hôn lao xao gió, vẫn có cái nắng hạ trên bức tường rêu của chốn quê nhà. Để anh không bao giờ thấy mình hiu quạnh.

Bây giờ là tháng năm, cuối tháng năm. Thế mà tôi vẫn còn bàng hoàng rơi vào cõi thực hư thế nào mỗi lần nhớ anh. Anh Sơn ơi, anh đã yên nghỉ, nhưng sao lòng bạn bè vẫn không nguôi. Bởi tấm lòng anh còn đó. Hay bởi cuộc chia tay vội vã thiếu lời giã từ nhau?

Lữ Quỳnh
San Jose, cuối tháng 5 - 2001

Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Lữ Quỳnh