[2005] Từ khi Trăng là Nguyệt
Trích gần như nguyên văn báo cáo điện thư của “đặc phái viên” không thường trực NMT của Hội VHTCS tại Thành Phố Mùa Xuân với người trực “văn phòng”:
Tối 30/03/2005, đặc phái viên NMT than phiền với anh “chủ tịch” (CT) Hội VHTCS (chắc với ngụ ý đòi thêm phong bì):
Tôi đang ở Sàigòn, và tốn hết cả buổi chiều đi vòng vòng dưới nắng gay gắt (38-40C vào giữa trưa) mới xoay được tấm vé mời (thật) hai chỗ ngồi, cho đêm văn nghệ TCS ở Bình Quới (chỉ có vé mời, không có vé bán1!).
Sẽ báo cáo với anh CT sau nhé.
Trưa 01/04/05, anh CT chia sẻ và tiếc rẻ giùm:
Phải chi anh ngồi uống cà phê (đá) ở một quán internet nào đó để lên trạm www.tcs-forum.org lấy vé thì có mát mẻ hơn nhiều không! Và nếu có vấn đề với người xét vé thì anh chỉ cần cho biết anh là đặc phái viên đặc mệnh của Hội VHTCS thì sẽ được đón tiếp như VIP...: hip hip, hourra!
Sáng 02/04/05, đặc phái viên NMT vừa vươn vai dậy sốp dẽo đưa tin điện 1 cột (kiểu làm chùa):
Tối qua đi nghe nhạc TCS về khuya quá, nên giờ mới viết vài chữ về đêm nhạc. Ban tổ chức gởi đi 2000 tấm vé mời 2 chỗ, song vẫn có nhiều khách không xoay được giấy mời vẫn đến... nên có khoảng ít nhất 5000 người ngồi nghe. Khán giả thật tuyệt, có người suýt soa... là chưa bao giờ thấy một đám đông người như thế mà yên lặng như vậy...(không
được qui chế VIP, đến trễ, chúng tôi phải ngồi thật xa trên chiếc ghế con...*).
Mặc dầu niềm xúc động đã qua, nỗi thổn thức đã lắng, đi nghe nhạc TCS ở Hội Ngộ quán vẫn còn một chút gì "linh thiêng"... ai cũng trầm ngâm, dường như đang nhớ lại hay suy nghiệm điều gì đó...
Giới trẻ đến rất đông, hơn một nửa người dự, tôi nghĩ thế...
Chương trình có chủ đề Từ khi Trăng là Nguyệt, nhưng dường như sau bài hát này mở đầu, những bài hát khác ít nằm cùng nội dung2...
Lần đầu tiên nghe Trần Mạnh Tuấn thổi saxo, quả thật danh bất hư truyền... Hồng Nhung* hát Diễm xưa và Một cõi đi về..., hát vẫn còn hay lắm (xin lỗi các bác Hội... ML3 :-))... Bài "Thương ai về ngõ tối"... được MC Đỗ Trung Quân giới thiệu là viết cho ca sĩ Thanh Thúy (Thanh Thúy của những năm 60 ấy mà)...
Tôi nghĩ là sẽ được nghe lại Ướt Mi song chỉ được nghe Phúc âm buồn (có bài mang đầy tính... thời sự “Chúa đã bỏ loài nguời, Phật đã bỏ loài người...”). Nhiều bài hát của những năm tháng 60, đang tìm kiếm, chưa đậm nét..., thận phận con nguời, nỗi đau tình yêu...
C/s (sồn sồn) Lan Ngọc hát Ru em 4 mùa4 thật đạt. Và rồi những người hát rất trẻ, tôi chẳng nhớ tên ai vào ai cả...5 Các điệu múa ... chẳng "nhập" mấy vào hồn nhạc6...
Có anh bạn người Mỹ (Fowler ???)7 đã viết lời tiếng Anh cho Người con gái VN, hát thật hay. Anh hát hai lời, song tôi không rõ là anh hát câu "Ôi đất nước u mê ngàn năm..." bằng tiếng Anh như thế nào... (tôi ra về vẫn bị ám ảnh bởi câu hát này anh ạ)8.
Đêm qua ở vài phòng trà trong thành phố có các đêm chủ đề TCS, đặc biệt Ánh Tuyết với Dã Tràng Ca ở rạp Long Phụng...(xin đừng choáng ngợp với các tên chủ đề...).
Ngồi trên cỏ nghe hát, và hát TCS, vẫn thích hơn nhiều... anh ạ...
NMT,
02/04/2005
_________________________
(1) lời lẩm bẩm của người đánh chép (đ/c) lại: ở Sài Gòn, cái gì mà không có bán!
(2) lời bình của người đ/c: thường thường là như thế, nên khi Hội VHTCS tổ chức Giỗ 4 (đêm 02/04/05, tại khu đại học khoa học Toulouse-UPS ), thì anh CT giới thiệu là “Đêm ca nhạc không chủ đề” cho nó chắc ăn. Mách với Bình Quới: lần tới tổ chức Từ Trăng thôi là Nguyệt thì sẽ có nhiều bài vô đề hơn.
(3) chú thích của người đ/c: Hội những người yêu Mỹ Linh (chúng tôi không có địa chỉ của Hội); được biết tuy ML đã cho NNYML “leo cây” tối chủ nhật 06/03/05 vừa rồi tại Paris (tiếng Pháp gọi là “poser un lapin”, còn tiếng VK nói là “cho ăn thỏ”), họ trước sau (và trăm người) như một, nhất quyết vẫn đợi một ngày mới.
(4) người đ/c tài khôn cắt nghĩa: đặc phái viên NMT xúc động quá nên xáo trộn tựa bài, có lẽ đó là bài Gọi tên bốn mùa, vì trong bài đó có câu “Ôi tóc em dài đêm thần thoại”, nghe cũng hãi thật....
(5) lời lẩm nhẩm của đ/c, nhại giọng TCS: lạ thật, bà sồn sồn thì lại nhớ, mấy em tre trẻ thì lại quên!
(6) lời bình của người đ/c: đặc phái viên NMT rõ là khó tính, thường tình chỉ cần những điệu múa “ra hồn” thôi, toàn là mấy em, chứ có phải mấy bà bóng đâu mà nhập!
(7) chú thích của người đ/c: ghi ra theo phát âm của MC gần đúng đấy, rõ là đặc phái viên NMT có bản lãnh; anh chàng Mỹ này là Rich(ard) Fuller đã chơi quen lâu đời với TCS, từ những năm 60 lận, đã từng hoạt động trong “International Voluntary Services” của thời đó, cùng với John Schafer (tác giả bài viết “Chút lòng với TCS”, Văn, số 53 & 54, tháng 5 & 6/2001, tr. 116-117), có tên Việt là Phú (=Rich) và cũng rất lăn chai nên có biệt hiệu là Phú phong trần, hiện giờ sinh sống tại Sài Gòn, dạy học và quản lý một công ty du lịch bằng xe đạp do chính mình sáng lập! Công ty này chắc không làm ăn được với khách VN, vì các vị khách này thường toàn thích đi xe máy, với hai hay nhiều bánh...! Nói thêm là PhuRich có dịch một số ca khúc TCS và đang
tìm ca sĩ tiếng Anh để phổ biến TCS sang Âu-Mỹ. Avis aux amateurs!
(8) người đ/c vở lẽ: hèn chi, 30 năm sau 75 mà Ca khúc da vàng vẫn còn bị tù trong ngăn kéo. Và Cổ Ngư có lẽ không phải quá vớ vẩn khi nhìn lại thời gian tuổi thơ của mình trải lên những năm 75-80 ở một thành phố đang gần đụng đáy (biển) và tự hỏi, trong bài trả lời phỏng vấn “Trở về cùng nhịp thở đất nước”: “(...) Thuộc lòng nhiều bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nên đôi khi, tôi đã nghĩ vớ vẩn: thay vì hân hoan Nối vòng tay lớn, nếu biết trước những gì sẽ xảy ra sau ngày 30-04-1975 cho miền Nam, có thể Trịnh Công Sơn đã hát Gia tài của mẹ trên đài phát thanh để chào đón những người anh em miền Bắc. (...)”, (Hợp Lưu, số 82, tháng 4 & 5/2005, với chủ đề “30-4-1975 Nhìn từ miền Nam”, tr. 111-117).
(*) Xem ảnh. Cám ơn Bình Quới đã chia bớt một số hình ảnh của Đêm Từ khi Trăng là Nguyệt.
Người đ/c, alias PvĐ.
Các thao tác trên Tài liệu