Bạn đang ở: Trang chủ / Góc bạn bè / Sinh-hoạt / [2006] Đêm nhạc "Cho đời chút ơn"

[2006] Đêm nhạc "Cho đời chút ơn"

- Webmaster cập nhật lần cuối 25/06/2014 12:13
Kỷ niệm 5 năm ngày mất Trịnh Công Sơn, nhóm sinh viên thuộc CLB Văn nghệ Trẻ khoa Ngữ Văn Trường Đại học Quy Nhơn tổ chức chương trình đêm nhạc "Cho đời chút ơn" để tưởng nhớ người nhạc sĩ tài hoa này.


Chương trình được tổ chức vào lúc 19h30 ngày 1/4/2006 tại Hội trường Đại học Quy Nhơn, ngôi trường ngày xưa Trịnh Công Sơn từng theo học.

Mở màn là đoạn băng ghi âm buổi giao lưu giữa Trịnh Công Sơn với sinh viên trường Đại học Quy nhơn năm 1998. Cả hội trường chật kín sinh viên nhưng thật lạ lùng, tất cả cùng lặng im khi giọng nói nhỏ nhẹ điềm tĩnh của Trịnh Công Sơn vang vang trong không gian và di ảnh Trịnh được trình chiếu trên màn ảnh.

Đặc biệt hơn, trong đêm nhạc này Hợp xướng Dã tràng ca xuất hiện. Đây là một trong những tiết mục quan trọng được các bạn sinh viên trân trọng làm tiết mục khai diễn.

    Dã tràng dã tràng dã tràng xe cát biển ông
    Dã tràng, dã tràng xe cát hoài công...
    Trùng dương ơi đã mấy ngàn năm
    Gọi miên man cho sóng triều lên
    Quên dã tràng đêm ngày xe cát...


Dã tràng ca được Trịnh Công Sơn sáng tác vào năm 1962 phục vụ cho buổi văn nghệ của trường Sư phạm Quy Nhơn khóa đầu tiên ( 1962-1964). Bài hát được trình diễn thành công ngay trong lần đầu ra mắt bởi một dàn hợp ca gồm khoảng 50 giáo sinh do chính Trịnh Công Sơn điều khiển.

TCS điều khiển Dã tràng ca, 1962

Trường ca này được Trịnh Công Sơn lấy ý tưởng từ tác phẩm Le Mythe de Sisyphe (huyền thoại Sisyphe) của Albert Camus – tác giả hiện sinh người Pháp đạt giải Nobel 1957. Tác phẩm Huyền thoại Sisyphe nói về sự phi lý của cuộc đời. Tất cả những gì con người nỗ lực xây dựng nên rồi cũng chẳng đi đến đâu, giống như anh chàng Sisyphe bị khổ sai hàng ngày phải đẩy một tảng đá lên núi cao và thả tay cho tảng đá lăn xuống vực rồi sau đó lại cố sức đẩy lên rồi lại thả tay. Tất cả sự nỗ lực ấy không có nghĩa gì hết, giống như truyền thuyết Dã tràng xe cát biển Đông của người phương Đông vậy. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà Trịnh Công Sơn tuyệt vọng, buông xuôi. Trịnh Công Sơn chỉ ra rằng chỉ có tình yêu mới làm vơi bớt khổ đau và đó là chốn trú ẩn cuối cùng :

    Còn gì đâu mà không thương nhau...
    Gọi vào tình yêu, gọi vào tình yêu
    Ta ra ngàn lối bắt loa gọi vào tình yêu


Sự trở về của Dã tràng ca trong đêm nhạc “Cho đời chút ơn”, qua giọng ca của 20 sinh viên thuộc Câu lạc bộ Văn nghệ trẻ (Khoa Ngữ văn - Đại học Quy Nhơn), đã khiến cho cả hội trường lặng đi vì xúc động. Vậy là sau 44 năm vắng bóng, Dã tràng ca đã được hát lại ngay chính trên sân khấu của mái trường nơi bài hát này ra đời: "Này dã tràng ơi nghe thân lưu đày/ Ngàn năm còn mãi, ngàn sau còn mãi…”

Đến với đêm nhạc, ta còn đắm chìm trong không gian nhạc Trịnh với Cho đời chút ơn, Nhìn những mùa thu đi, Hạ trắng (Saxophon), Một cõi đi về , Biển nhớ, Đêm thấy ta là thác đỗ, Biển nghìn thu ở lại, Tuổi đời mênh mông, Huyền thoại mẹ, Cuối cùng cho một tình yêu, Hãy yêu nhau đi, Nối vòng tay lớn… do các sinh viên trong trường và sự góp mặt của các bạn trong thành phố Quy Nhơn trình bày đã tạo cho đêm nhạc những luồng sinh khí vừa lắng đọng vừa tràn đầy sức sống… Bên cạnh đấy đêm nhạc Trịnh càng trở nên đầm ấm khi tình nguyện viên người Mỹ Mark Bowers (giáo viên tiếng Anh tại Đại học Quy Nhơn) góp mặt qua ca khúc Hãy sống giùm tôi bằng tiếng Việt khá chuẩn, với lời nhắn gởi chân thành tôi yêu hòa bình và tôi yêu Việt Nam. Điều này càng khẳng định âm nhạc Trịnh Công Sơn đã vượt qua mọi biên giới, giúp con người gần nhau hơn, hiểu nhau hơn.

Và sự xuất hiện bất ngờ của bạn Minh Hậu một người khiếm thị (thuộc cơ sở người Khuyết tật Nguyễn Nga Bình Định) đã tạo nên điểm nhấn đầy xúc động cho đêm nhạc. Nghe Minh Hậu vừa tự đệm đàn ghi-ta vừa thì thầm với chính mình: "Đừng tuyệt vọng, tôi ơi đừng tuyệt vọng/ Lá mùa thu rơi rụng giữa mùa đông/ đừng tuyệt vọng em ơi đừng tuyệt vọng/ Em là tôi và tôi cũng là em..." với giọng hát trầm, ấm áp càng cảm nhận hơn những an ủi vỗ về của ca từ nhạc Trịnh cho số phận những con người không may mắn.

Đã lâu lắm rồi, tôi mới lại được chìm đắm trong một không khí dìu dặt như thế này, các khán giả như cùng thì thầm hát theo ca khúc Hãy yêu nhau đi khi đêm diễn gần tàn : "Hãy ru nhau trên những lời gió mới/ Hãy yêu nhau cho gạch đá có tin vui/ Hãy kêu tên nhau trên ghềnh dưới bãi/ Dù mai nơi này người có xa người.."

Tôi thầm cảm ơn đêm nhạc “Cho đời chút ơn”, cảm ơn người nhạc sĩ tài hoa đã cho chúng ta những cảm xúc đẹp, những ca từ của ông đã giúp chúng ta sống phong phú hơn về nhiều khía cạnh, nó làm cho chúng ta thấy yêu đời hơn và sống đẹp hơn.

Ban Mai
Quy nhơn, ngày 01/04/2006

Các thao tác trên Tài liệu