Bạn đang ở: Trang chủ / Góc bạn bè / Sinh-hoạt / [2006] Đêm nhạc "Dấu chân địa đàng" tại Quảng Trị

[2006] Đêm nhạc "Dấu chân địa đàng" tại Quảng Trị

- Webmaster cập nhật lần cuối 28/08/2006 15:08
Như nhiều nơi ở Việt Nam và trên thế giới, thị xã Quảng Trị đã tổ chức kỷ niệm 5 năm ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, đúng ngày 1 tháng tư.


Đêm nhạc "Dấu chân địa đàng", diễn ra giữa trời đất trong khu sinh thái Tích Tường. Gần hai ngàn người tụ hội, một kỷ lục ở Quảng Trị, để lắng nghe "Trời buông gió và mây về ngang bên lưng đèo/ Mùa xanh lá loài sâu ngủ quên trong tóc chiều". Hay để hồi tưởng một mùa hè đỏ lửa, cũng đâu đây Trịnh Công Sơn đã gặp người mẹ già "trong đoàn người từ Quảng Trị về Huế", "hỏi thăm trái bí trên giàn còn xanh", rồi đành "này thôi bí nhé lên đường cùng me" (1972). Hay để hình dung một TCS thấp thoáng trong sương bụi phía về Thạch Hãn cùng lớp người làm phu đường sắt nối lại Bắc-Nam (1978). Hay đơn giản hơn, Để người về hát đêm hồng.
(PvĐ., 23/04/2006)

Tích Tường - "Để người về hát đêm hồng" *

Trong ánh mưa bất chợt của buổi tối mồng một tháng tư, có rất nhiều bước chân và tâm hồn con người chọn không gian xanh như một lời hẹn của khu du lịch sinh thái Tích Tường ở thị xã Quảng Trị để đến. Tiếng vọng của những tia chớp trên bầu trời khi ấy thả xuống con đường dẫn tới nơi đó như được ấm thêm trong lời đề từ khúc chiết của nhà báo Nguyễn Hoàn rằng, mỗi người đi qua cõi nhân sinh đều để lại dấu chân từ thuở chập chững ấu thơ rồi háo hức vào đời đến hăm hở dấn thân sống và đấu tranh cho lý tưởng cao cả, tình cảm tốt đẹp. Dõi theo những bước đi ấy, có một con người luôn ôm một nỗi cuồng si bất tận với cuộc đời đã lựa chọn con đường dẫn về ca tụng sự vinh quang của đời sống nên dấu chân của anh vẫn hằng đồng hành với nhân loại trên cõi địa đàng. Người ấy là Trịnh Công Sơn, nhạc sĩ của những ca khúc cứ hoài được hát lên đây đó, hát trong tất cả những lần cõi thế tưởng nhớ ngày anh về chốn không còn thấy mặt trời. Như trong đêm nhạc Dấu chân địa đàng ở Tích Tường của những người Quảng Trị bởi mến mộ mà luôn muốn hiểu âm nhạc của Trịnh Công Sơn ở góc độ có chiều sâu hơn.

Trong tinh thần ấy, đêm nhạc tưởng nhớ năm năm Trịnh Công Sơn về nơi cuối trời được mở ra sau phần hòa âm của guitar, organ và saxophone trên nền nhạc của ca khúc Dấu chân địa đàng gợi thức giữa tâm trí khán, thính giả "lời tỏ tình với cuộc sống, lời nhắn nhủ thầm kín về những nỗi niềm tuyệt vọng, nỗi lòng tiếc nuối khôn nguôi đối với mặt đất mà tôi đã một thời chia sẻ những buồn vui cùng mọi người" (Trịnh Công Sơn). Khán, thính giả mỗi lúc một đông, các gian nhà trong khu du lịch nhanh chóng chen kín người với sự quen mặt, gần gũi nhau mỗi lúc mỗi thắm thiết hơn nên bài hát Nối vòng tay lớn trầm hùng thêm phần hào sảng trong sự đồng giọng ấm áp và say mê của tốp ca nam nữ thị xã Quảng Trị. Không ai biết những giọt mưa đã im bặt từ lúc nào. Trong không gian và thời gian chỉ còn tiếng nói phân tích cuộc đời và âm nhạc của Trịnh Công Sơn cùng những lời giới thiệu có khả năng thâu tóm nội dung của mỗi bài hát từ Ngày xưa khi còn bé, qua Ngày sau sỏi đá, vào Cát bụi tuyệt vời, đến Quê hương thần thoại. Hiệu ứng nghệ thuật của đêm nhạc dần dần được tạo nên bởi những giọng hát chân phương, mộc mạc kết hợp với những hình ảnh minh họa về mỗi quãng đời và sáng tác của Trịnh Công Sơn được monitor trình chiếu như những lát cắt có giá trị hỗ trợ sáng tạo cho những phong cách biểu diễn khác nhau, mức độ hiểu hoặc ngấm ca từ trong âm nhạc của "kẻ du ca về tình yêu, quê hương và thân phận". Cùng lúc với những tiết tấu ân tình quen thuộc, những khúc thơ mê hoặc được hát lên là hình ảnh Trịnh Công Sơn thấp thoáng giữa những cảm xúc âm nhạc qua các bức chân dung, tấm hình chụp chung với thầy giáo và bạn hữu, khuôn nhạc, trang bút ký, dòng tâm tình, khung cảnh quê hương thời đạn bom và thái hòa, hình ảnh thân thương của người mẹ, bóng dáng hư thực của những người con gái trên nền sáng của đèn chiếu. Bên ngoài giới hạn của những khúc xạ âm thanh và thị giác là những đôi lứa nồng thắm, những người từ núi đồi Lao Bảo đến chân sóng Cửa Việt đi vào khu du lịch sinh thái vốn tĩnh lặng này cứ nhiều lên để cùng "về hát đêm hồng". Xe máy, ô tô khách, xe con nối nhau chở gần hai ngàn người đến tiếp cận âm nhạc Trịnh Công Sơn với những liên tưởng âu yếm về kỷ niệm, nỗi nhớ nhung và giấc mơ yêu thương trong cuộc đời khi nghe trẻ thơ hồn nhiên hát ca khúc Mẹ vắng nhà, cô gái nhỏ nhí nhảnh trình bày bài hát Em là hoa hồng nhỏ, lắng hồn mình trong khắc khoải Lời mẹ ru, sự thảng thốt của Chiếc lá thu phai... dài về đến cung đường sắt ngang qua thị xã Quảng Trị ở chỗ giáp Quốc lộ IA.

Người mẹ Ô Lý

Người mẹ Ô Lý

Sức lan tỏa và lôi cuốn của đêm nhạc Dấu chân địa đàng ở Tích Tường được tăng thêm nhờ một số thông tin về mối liên hệ giữa người cha yêu nước của Trịnh Công Sơn với mảnh đất Quảng Trị được người dẫn chương trình phân tích tường tận cùng dòng thư tha thiết của ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh với miền quê Quảng Trị và khán giả của đêm nhạc. Đặc biệt hơn, ca khúc Người mẹ Ô Lý lần đầu tiên được hát giữa đất trời Quảng Trị có ý nghĩa như một sự kiện nhỏ trong tổng thể của đêm nhạc tưởng niệm Nhạc sĩ đã viết ca khúc này "tặng người mẹ già tôi đã gặp trong đoàn người từ Quảng Trị về Huế". Bắt đầu từ đó, quê hương Việt Nam hiện bóng trong từng nét nhạc với trái bí trên giàn còn xanh phải ngủ đường xa trên vai mẹ già qua xương trắng máu hồng trong chiến tranh. Tầng cảm xúc của khán, thính giả được đêm nhạc làm dày thêm bởi các ca khúc về khát vọng hòa bình, thống nhất, độc lập để dựng xây và phát triển của dân tộc, của đất nước như Huế-Sài Gòn-Hà Nội, Huyền thoại mẹ, Chờ nhìn quê hương sáng chói, Đồng dao năm 2000 và bút ký Nam Thạch Hãn những ngày đầu tháng ba được Trịnh Công Sơn viết trong suy ngẫm đặc sắc về nhịp điệu lao động ở Quảng Trị vào năm 1978: "6 giờ. Đường ra Thạch Hãn sương mù dày đặc. Đường sương, ruộng sương, cầu sương, sông nước cũng sương. Hai bên đường loáng thoáng bóng người rải sắn lát, chờ sương tan để nắng lên để hong khô... Con đường này, ruộng lúa, bóng núi này cũng phả vào hồn những tình cảm đoan trang, thanh thoát". Vào lúc ấy, tất cả đều nhìn thấy Trịnh Công Sơn không chỉ là một người hát rong trên cõi địa đàng mà còn là người đã một thời làm dấy lên tinh thần Da Vàng và lương tâm dẫn đường trong thế hệ người Việt Nam đấu tranh chống kỳ thị và áp bức, cùng nhau đi tới những giá trị mỹ học của cuộc đời, nơi có hòa bình và nhân bản bằng các ca khúc Da Vàng phản chiến góp phần làm nên âm hưởng hùng tráng của những đêm không ngủ hát cho đồng bào nghe của tuổi trẻ miền Nam khao khát vẽ lại chân dung của nhân loại. Vẽ lại con tim khối óc. Trên những trang giấy tinh khôi chúng tôi không bao giờ thấy bóng dáng của những đường kiếm mưu đồ, những vết dao khắc nghiệt. Chúng tôi vẽ những đất đai, trên đó đời sống không còn bạo lực. Chính khát vọng hòa bình đã thôi thúc những nốt nhạc của Trịnh Công Sơn âm vang tinh thần đấu tranh để giành lại quyền sống, quyền tự do trong hòa bình.

Sự đồng cảm giữa những người biết thưởng thức nhạc Trịnh Công Sơn đến khi tất cả nâng niu từng giai điệu giản dị lẫn tinh tế và quyến rũ của đêm nhạc Dấu chân địa đàng đang kể về tình yêu trần thế và giấc mơ đời bằng nỗi từ tâm. Những người trình bày các tác phẩm âm nhạc có "lời, ý đẹp và độc đáo đến bất ngờ hôn phối cùng một kết cấu đặc biệt như một hình thức của dân ca" (Văn Cao) đã say sưa hát mà không sợ bị đơn điệu bởi đây cũng là lúc một lần nữa họ hát về cuộc tình của mình, một lần nữa họ nhớ thương tuổi trẻ của mình ngào ngạt hương hoa và nồng nàn tình yêu, và cũng là lúc họ an ủi mình, an ủi một cái gì còn ở lại, một điều gì đã ra đi. Vậy nên, những khúc nhạc lòng có tên Diễm xưa, Hạ trắng, Chiếc lá thu phai, Một cõi đi về... lại vang lên không dứt trên một vùng gò đồi Tích Tường trầm mặc trong đêm. Thật khó cưỡng lại sự ngẩn ngơ khi ca khúc Cát bụi được cất lên để chuyển tải cố gắng miệt mài của con người nhằm thấu suốt dự báo của ngày Lễ Tro trong Phúc Âm: từ cát bụi đã sinh ra và sớm muộn người cũng được trả về cát bụi, hoặc có thể chạm vào sắc long lanh của giọt mưa trong lời hát muốn thấy được hoa quả khai sinh trong trái tim người khi đã hiểu ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau. Đặc sắc nhất trong các phần trình bày âm nhạc của đêm mồng một tháng tư này ở Tích Tường là một giọng nam trầm ấm quyện một giọng nữ réo rắt nâng dần cung bậc yêu đương với "mùi hương phấn người một hôm nhớ lại hẹn ngày sau sẽ mua vui, về thu xếp lại ngày trong nếp ngày vội vàng thêm những lúc yêu người" rồi bàng hoàng nhắc nhở "chiều hôm thức dậy ngồi ôm tóc dài chập chờn lau trắng trong tay" của ca khúc Chiếc lá thu phai. Giọng nam ấy là anh Đỗ Việt Hà, người đã bắt nhịp được niềm yêu thích những bản tình ca của Trịnh Công Sơn trong tâm hồn người bạn đời, đồng thời là người bạn diễn của mình, đã khẳng định anh chị bị âm nhạc của Trịnh Công Sơn cuốn hút, chinh phục đến nỗi không nói được thêm gì ngoài việc hát say mê như vậy trong nhiều năm qua. Với từng chi tiết ấy, như đánh giá của anh Cao Trọng Cân, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin thị xã Quảng Trị, đêm nhạc Dấu chân địa đàng có được sự thành công ngoài mong đợi của những người thực hiện chương trình cả về nội dung, quy mô và cả về cách ứng xử của đại biểu, khán, thính giả trong suốt thời gian thưởng thức. Sự lễ độ với văn hóa trong đêm nhạc Dấu chân địa đàng thể hiện ở chỗ, với lượng người đông đến bất ngờ, ban tổ chức phải thuê thêm hàng trăm ly, cốc cùng chừng ấy chiếc ghế nhưng kết thúc đêm nhạc, không có bất kỳ mảnh vỡ, đoạn gãy nào trong khu vực, không một ai không trả tiền cho món ăn, thức uống đã gọi để dùng. Và, thành công này sẽ góp phần vào sự chuẩn bị cho Năm Du lịch Quảng Trị 2007 trên địa bàn thị xã Quảng Trị.

Nhạc Trịnh Công Sơn không cao siêu, xa lạ mà thanh thoát, nhẹ nhàng và cứ như dòng nước róc rách chảy vào lòng người là cảm nhận của chị Kim Duyên khi hát "đời xin có nhau dài cho mãi sau" và, tấm lòng của Trịnh Công Sơn lớn lao như vậy thì mình vẽ chân dung, viết tên của Trịnh Công Sơn bằng tấm lòng vì nhạc sĩ của những bài hát mà trong đó ai cũng có thể thấy thân phận của mình, tình yêu của mình, mưa nắng của đời mình là cảm xúc chính để họa sĩ Hoàng Cường vẽ rất đẹp gương mặt của "kẻ hát rong không tuổi" Trịnh Công Sơn trên phông nền của đêm nhạc. Tất cả cho thấy, với nhiều biến hóa sinh động, âm nhạc của Trịnh Công Sơn vẫn luôn khiến con người say mê bằng chính tinh thần tìm kiếm trong dòng nhạc ấy những âm thanh và ánh sáng của tình yêu, của những điều nhân bản vẫn tồn tại với nguyên chân giá trị được đồng vọng và thắp lên trong lòng mỗi người...

Nguyễn Bội Nhiên



(*)Xin cám ơn nhà báo Nguyễn Hoàn, người dẫn chương trình này, đã giới thiệu và gởi đến chúng tôi bài của chị Nguyễn Bội Nhiên và một số hình ảnh/bài vở sinh hoạt văn nghệ ở Quảng Trị liên quan với nhạc Trịnh những tháng ngày qua.

Các thao tác trên Tài liệu