Bạn đang ở: Trang chủ / Góc bạn bè / Sinh-hoạt / [2006] Đêm Vẫn nhớ cuộc đời / BỐNG VÔ THƯỜNG

BỐNG VÔ THƯỜNG

- Webmaster cập nhật lần cuối 23/06/2014 18:49
Cao Huy Thuần, 01/04/2006.

Cách đây non 4 năm, Hội văn hoá Trịnh Công Sơn đã tổ chức đêm hát "Vẫn nhớ cuộc đời" tại thính phòng của Trường âm nhạc (Conservatoire) của thành phố Bourg-La-Reine (vùng Paris) ngày 1-4-2006 để kỷ niệm 5 năm ngày Trịnh Công Sơn mất, với sự tham gia của Hồng Anh, Thanh Hải, Hồng Nhung,... Chúng tôi hân hạnh đăng lại nguyên văn dưới đây hai đoạn giới thiệu của anh Cao Huy Thuần về phần của Hồng Nhung.



HỒNG NHUNG

Khán giả Thính phòng Trường quốc gia âm nhạc Bourg-La-Reine, đêm 1-4-2006

Khán giả Thính phòng Trường quốc gia âm nhạc Bourg-La-Reine

Phần thứ hai của đêm hát sẽ dành cho Hồng Nhung. Hồng Nhung sẽ hát và giới thiệu bài hát. Sự việc Hồng Nhung hát tại đây, một đêm thứ bảy, đúng ngày 1-4, là một chuyện kỳ lạ, không tin vào chữ duyên cũng phải tin. Đúng ngày TCS mất ! Tưởng chừng đâu đó chung quanh đây, có Trịnh Công Sơn đang nghe Hồng Nhung hát. Tưởng chừng khi Hồng Nhung bước ra sân khấu, có Trịnh Công Sơn hát nhẹ theo bước chân của cô :

    Em đi đâu mà vội
    Bống hồng bống hồng lay
    Em đi đâu mà vội
    Lay nhẹ bống bồng bông
    Lay nhẹ đóa hồng nhung.


Tưởng chừng như Hồng Nhung bước ra từ trong tiếng nhạc Trịnh Công Sơn như người đẹp trong truyện xưa bước ra từ trong tranh.

Tất cả những người đẹp trong Trịnh Công Sơn đều có huyền sử. Người đẹp đêm nay còn có hơn thế nữa : còn có thêm mộc mạc của đồng dao và ngây thơ của cổ tích.

Đồng dao thì ai cũng biết : bống bổng bồng bông. Cổ tích thì chỉ một mình tôi biết thôi. Cho nên tôi xin kể.

Ai cũng biết chuyện cô Tấm. Cô Tấm nuôi con cá bống trong giếng. Cứ sau mỗi bữa ăn, cô Tấm gõ vào thành giếng, gọi bống bổng bồng bông. Con cá bống nghe tiếng cô Tấm, vẫy đuôi, chờ cô thả cơm vào lòng giếng. Cô Tấm hạnh phúc ; con cá bống cũng hạnh phúc. Cô Tấm yêu con cá bống ; con cá bống yêu cô Tấm.

Chuyện đó ai cũng biết, nhưng chẳng ai biết chuyện con cá bống của Trịnh Công Sơn. Trịnh Công Sơn đi qua bờ ao, thấy con cá bống lội buồn buồn trong nước. Trịnh Công Sơn hỏi : sao bống buồn vậy ? Con cá bống nói : tại vì tụi cá bống ở đây không biết ca hát. Trịnh Công Sơn hỏi : vậy bống có muốn hát nhạc Trịnh Công Sơn không ? Con cá bống nói : muốn ! Thay vì ném hạt cơm như cô Tấm, Trịnh Công Sơn nhổ một sợi tóc ném xuống ao. Con cá bống đớp sợi tóc, hiện thành hình người, người đẹp. Vì vậy mà người đẹp của Trịnh Công Sơn mảnh mai như sợi tóc tiên và nhẹ bổng như tơ tằm.

    Em đi đâu mà vội, mà vội
    Bống này bống nhỏ nhoi
    ...........
    Ngày Bống me bồng nhẹ quá tơ tằm
    Lay nhẹ bống bồng bông


Đêm nay, coi chừng, Trịnh Công Sơn đang ở đâu đó chung quanh đây sẽ đòi lại sợi tóc. Người đẹp đừng sợ ! Trong trường hợp đó, cả sân khấu này sẽ biến thành cái ao, và tất cả chúng ta ở đây đều sẽ sung sướng trở thành những con cá bống biết ca hát.

Bây giờ, dù là người đang mơ thành cá hay cá đang mơ thành người, mời Trịnh Công Sơn hãy nghe với chúng ta tiếng hát ca của một bài ru vì Sơn rất thích hát ru : "Ru em từng ngón xuân nồng".

Bống không là bống không ở trong ao. Ảnh mùa sinh nhật 28/02/1999.
Bống không là bống không ở trong ao. Ảnh mùa sinh nhật 28/02/1999



HỒNG NHUNG – Đóa hoa vô thường

Các anh chị thân mến,

Hồng Nhung

Bống vô thường

Bài "Đóa hoa vô thường" là bài trường ca duy nhất của Trịnh Công Sơn từ khi anh trở thành nhạc sĩ. Trên sân khấu Âu châu, chưa ai dám hát bài này, vì khó hát, khó chơi nhạc. Đặc biệt đêm nay, để tưởng niệm Trịnh Công Sơn, Hồng Nhung sẽ hát một đoạn ngắn, và hát không nhạc đệm, hát một mình, cho Sơn.

Vì tính cách trân trọng đó, tôi xin góp vài lời, về bài hát. Chúng tôi ở đây cũng muốn nói vài lời. Với Sơn.

Hai chữ "vô thường" đã nhiều lần đi nguyên vẹn vào lời hát của Trịnh Công Sơn. Đó là những lúc Trịnh Công Sơn mượn chữ để thi vị hóa một ý.

    Em đi bỏ lại con đường
    Bờ xa cỏ dại vô thường nhớ em


Ý, là em đi mất. Mới hôm qua, con đường, bờ ao, cỏ dại còn thấy dáng em đó, hôm nay mất bóng. Hàng trăm câu thơ dã nói lên tình cảm buồn thiu đó, chẳng có gì lạ. Nhưng đưa hai chữ "vô thường" vào lời hát thì câu thơ vừa có duyên lại vừa nồng nàn hương vị triết lý. Bỗng nhiên, tất cả các chữ khác mờ đi, chỉ còn âm hưởng hai chữ "vô thường" xoáy sâu vào lòng người.

Cũng vậy, nhưng chơi chữ hơn thế nữa, Trịnh Công ơnS tả mưa mùa hạ như thế này :

    Em sang từ nắng thuở nào
    Hôm nay xin tặng mưa đầu mùa mưa
    Cơn mưa là nắng vô thường


Có những cơn mưa như thế, đang nắng bỗng chợt mưa, nhất là mưa đầu mùa. Hai chữ "vô thường" vừa diễn tả đúng ý, vừa nghịch ngợm - nghĩa là có duyên. Hãy thử đảo ngược mà xem, cũng ý ấy, nhưng nghe chẳng ra cái gì cả : cơn nắng là mưa vô thường ... Không phải ai đem hai chữ vô thường vào thơ đều hay như Trịnh Công Sơn. Tại sao ? Tại vì Trịnh Công Sơn thấm ý niệm vô thường như muối thấm trong nước biển. Hầu hết lời hát của anh đều man mác ý tưởng ấy.

Cuộc đời ? Vô thường : Ôi phù du / từng tuổi xuân đã già / một ngày kia đến bờ / đời người như gió qua.

Tình yêu ? Vô thường : Rồi tình yêu cũng qua mau / chia người một bãi sầu.

Hồng Nhung, Xuân Thịnh (piano) & Huy Thiện (Ghita)

Hồng Nhung, Xuân Thịnh (piano) & Huy Thiện (Ghita)

Hạnh phúc ? Vô thường : Có những lần nằm nghe tiếng cười / nhưng chỉ là mơ thôi.

Xác thân tôi đây – nghĩa là của TCS : vô thường : Ôi tiếng buồn rơi đều / Nhìn lại mình đời đã xanh rêu.

Tại sao bài hát mang tên là "Đóa hoa vô thường" ? Hãy nhìn hoa : vô thường nằm ngay trên sắc màu rực rỡ. Hãy nhìn đóa quỳnh trong "Quỳnh hương" : hoa nở trắng ngần trong đêm, vừa mới hôn ánh trăng xong, thì cánh khép lại. Bao nhiêu nụ hồng trong Trịnh Công Sơn đều là hồng rả cánh : Em gọi nụ hồng / vừa tàn cuối sân ... Tôi như nụ hồng / nhiều khi ưu phiền / chờ tôi rả cánh một lần.

Tất cả đều là hình ảnh của vô thường trong nhạc Trịnh Công Sơn. Cho đến cả buồn vui cũng vô thường, vui đó rồi buồn đó. Đi đứng cũng vô thường : chưa đi đã về, chưa về đã đi, "đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt".

Hãy đếm những chữ "hư không", "hư vô" trong lời hát. Màu hồng nơi môi em cũng đang vô thường đấy, vì "môi em hồng như lá hư không". Áo lụa em mặc cũng đang vô thường đấy, vì "nhìn lại em áo lụa thinh không". Cả em nữa, em vô thường rồi, "nhìn em hư vô nhìn em bóng nắng".

Hãy đếm dòng sông trong Trịnh Công Sơn : cơ man. Bởi vì dòng sông là hình ảnh đích thực của vô thường.

Và hãy đếm mong manh, mong manh chữ, mong manh hình ảnh : Đóa hoa vàng mỏng manh cuối trời / như một lời chia tay ... Tình mong manh như nắng / Tình buồn làm cơn say

Trịnh Công Sơn là thi sĩ của mong manh. Đô rê mi fa trong Trịnh Công Sơn hát lên toàn vô thường. Ngay cả tính chất, cốt cách mông lung trong lời thơ của Trịnh Công Sơn ("Tình không xa nhưng không thật gần"...) tất cả là do sương khói vô thường mà ra.

Nhưng thấy vô thường không phải là để bi lụy. Chính là để vui trong cuộc đời, để sống hết mình, quý hết mình, giây phút hiện tại. Chính vì đóa hoa là vô thường nên đóa hoa mới đẹp. Nếu không thì là hoa giấy. Chính vì Trịnh Công Sơn thấy đầu bạc, cho nên "bạc đầu tôi đi, bạc đầu tôi đi, tôi đi..." Anh đi đâu ? Đi ca hát với bạn bè, với cuộc đời. Tôi cũng bắt chước anh "bạc đầu tôi đi, tôi đi ..." Tôi đi đâu ? Đi lên cái sân khấu này nghêu ngao vô thường với các anh chị, với Hồng Nhung, quá vui.

"Đóa hoa vô thường" là bài trường ca diễn tả quá trình sống trong vô thường từ vô tư đến thấy biết. Bài hát chia thành nhiều đoản khúc, với nhịp điệu, tiết tấu khác nhau, hớn hở, reo vui, nhẹ nhàng, hiu hắt, mỗi đoản khúc diễn tả một trạng thái của ý thức, của tâm.

Huy Thiện, Xuân Thịnh , Thanh Hải, Hồng Anh, Hồng Nhung & Cao Huy Thuần tiển chào khán giả.

Huy Thiện, Xuân Thịnh , Thanh Hải, Hồng Anh,
Hồng Nhung & Cao Huy Thuần tiển chào khán giả.

Một, tìm tình : từ cội nguồn em bước ra, tinh khôi như hoa vừa hé.

Hai, gặp tình : đưa tình về, hớn hở như hoa nở rộ.

Ba, bốn mùa trôi qua : hoa từ giã trần gian quay về lại cội nguồn.

Bốn, thấy biết, chứng ngộ : hoa rụng.. Thật ra, bài hát chấm dứt với hoa rụng, nhưng tiếng nhạc trở lại êm dịu, hết hiu hắt. Trong êm dịu đó, Trịnh Công Sơn muốn gởi một ý : hãy lắng nghe cái gì còn đọng lại trong tâm ta sau khi hoa đã rụng. Khi hoa rụng, lòng ta thấy buồn, như khi tình mất. Cái buồn đó còn ở lại một thời gian trong lòng, như tiếng chuông đã chấm dứt rồi, nhưng vẫn còn để lại một chút vọng tưởng về âm ba trong ý thức. Sau đó, khi vọng tưởng chấm dứt, tình cũng hết, nhưng tâm bình an, nhẹ nhàng, thinh không : "Từ đó em là sương / rụng mát trong bình minh ". "Đóa hoa vô thường" là quá trình đi từ chữ "ái" xôn xao đến chữ "tâm" mát rượi. Tất cả những nụ hồng trong Trịnh Công Sơn đều là hồng tàn. Nhưng sen trong "Đóa hoa vô thường" thì nở, sen hồng và cả sen vàng.

Tôi xin lỗi đã dông dài. Nhưng dông dài là để sửa soạn cho Hồng Nhung hát một đoạn ngắn, không nhạc, như một lời kinh, để tưởng niệm một đóa hoa đã rụng. Và đã nở.


Cao Huy Thuần

Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Cao Huy Thuần