Vẫn nhớ
Gửi các bạn trong Hội văn hoá Trịnh Công Sơn,
Các bạn thân mến,
Các bạn đã tổ chức một đêm nhạc Trịnh Công Sơn « vẫn nhớ cuộc đời » thật tuyệt vời. Tối nay tôi ngồi viết thư này cám ơn các bạn mà ... vẫn nhớ ... biết bao nhiêu điều đã trôi qua, như nhớ những buổi chiều trên quê hương tôi. Vâng tối ngày thứ bảy 1.4 đó không ai hát bài ấy, nhưng người yêu nhạc Trịnh nghe bài này lại nhớ bài kia, đâu có sao, phải không các bạn ? Và nếu đêm nhạc không diễn ra trên quê hương mà tại một nhà hát nhỏ thuộc ngoại ô Paris, thì cũng vẫn không sao. Đêm ấy chúng ta cùng nghe nhạc Trịnh Công Sơn trong niềm đồng cảm, để cùng nhớ ngày này đúng 5 năm trước, anh đã ra đi. Thế là đủ, trong một buổi tối, Trịnh Công Sơn là quê hương chung của chúng ta. Và tôi đã ngồi nghe một mình. Một mình, quên tôi đang ở đâu, quên hết không gian và cả thời gian, như nhà thơ đã viết :
Một mình nghe nhạc Trịnh
quay ngược lại thời gian
những cánh hoa rũ úa
lại nở tươi ngút ngàn
(thơ Nguyễn Trọng Tạo)
Như chúng ta đều đã cùng ngồi nghe một mình, vì chúng ta là một. Người hát, người đệm đàn và người nghe đều là một.
Hồng Nhung có cảm tính thật nhậy bén khi mở đầu chào khán giả đã nói : cô đến để tham dự vào đêm nhạc, tham dự, không phải để trình diễn. Tôi nghe mà ngẩn ngơ, thật vậy, tự bao giờ nhạc Trịnh Công Sơn vẫn là nhạc để mọi người cùng tham dự. Mà thật thế, không gì lôi cuốn người nghe tham dự hơn, tham dự vào cái tuyệt đối một mình mà tuyệt đối chung đó, bằng khi Hồng Nhung hát acapella một trích đoạn trường ca « đoá hoa vô thường », vừa hát vừa múa rất tự nhiên, tự nhiên như cái vô thường :
... Tìm trong vô thường
Có đôi dòng kinh
Sấm bay rền vang
Bỗng tôi thấy em
Dưới chân cội nguồn...
Ca sĩ chưa bao giờ một mình hơn thế, và cả thính phòng cũng chưa bao giờ là một hơn thế, với ca sĩ. Đúng vào ngày kỷ niệm Trịnh Công Sơn mà lại được nghe Hồng Nhung hát, còn có gì hạnh ngộ cho bằng, nếu cuộc đời không vô thường, làm gì có được những phút giây ấy ? Lại còn được nghe anh Cao Huy Thuần người dẫn chương trình có một không hai, bàn về chữ vô thường trong Trịnh Công Sơn, sâu sắc mà nhẹ như không, thật quá vui. Như anh đã nói « tôi đi đâu ? Đi lên cái sân khấu này nghêu ngao vô thường với các anh chị, với Hồng Nhung, quá vui »...
Nhưng tôi thật vô duyên, viết thư mà nói ngay cái gây ấn tượng nhất cho mình rồi, thì tiếp tục làm sao ? Mà dừng lại ở đây thì thật không đủ và không công bằng cho bao nhiều điều vẫn nhớ khác. Là fan của Hồng Nhung từ lâu, tôi đã nghe các CD của cô thời gian trước, và dĩ nhiên khi về nước cũng đã phải đến nghe trực tiếp tại « Tiếng tơ đồng ». Lần này phải nói tiếng hát Hồng Nhung đã thêm vào cái đẹp tự nhiên một kỹ thuật già dặn hơn rất nhiều, xử lý âm thanh điêu luyện, mà không phô trương, chính là để phục vụ cho tình cảm của mình và ý tưởng của nhạc sĩ bay cao, bay xa. Mừng cho cô, và cho nền thanh nhạc của Việt Nam. Nếu còn một mong ước chưa thoả thì xin nói là giá có lần nào trong một thính phòng nhỏ và âm thanh tốt như vậy, được nghe cô hát không có micro thì chắc còn hay biết mấy.
Và tôi cũng lại sẽ không công bằng nếu không nói đến việc chọn lựa những bài hát cho một chủ đề « không chiến tranh ». Nhưng không vì thế mà quên nỗi buồn của con người, trong đó dĩ nhiên có phần của chiến tranh. Chỉ có Trịnh Công Sơn, với tâm hồn thật nhân bản mới có thể nhìn nhận chân tướng cuộc đời trong những nỗi buồn xâu xé nhất và vượt qua để đi đến những niềm vui. Vì ông biết « để gió cuốn đi »... và tôi chưa bao giờ được nghe câu nhạc « để gió cuốn đi » này được hát một cách tha thiết, tràn đầy tình cảm và vang vọng suy tư, như trong tiếng hát Thanh Hải. Bốn chữ thôi, mà là cả biện chứng cuộc đời. Tôi cũng là một fan của Thanh Hải từ lâu, và lần này Thanh Hải lại làm tôi sửng sốt và nhớ mãi âm thanh cao vút của bốn chữ « để gió cuốn » đi này.
Thanh Hải đã làm xuất sắc cái nhiệm vụ « cuốn đi » một thời, một tâm tình trĩu nặng của cả chúng ta những năm 60, 70, để một Hồng Anh xuất hiện, như một người em gái thân thương, hồn nhiên, nhưng không kém phần nghệ sĩ. Nói thế nào đây về tiếng hát Hồng Anh và sự chọn lựa hai bài hát của cô ? Bài « Có nghe đời nghiêng » và bài « Lời mẹ ru » đều rất hợp. Thật là nhẹ nhàng, mộc mạc giản dị như giọng ca và phong cách vừa hát vừa tự đệm đàn của cô ; nhưng tưởng như nhẹ nhàng, mà thật ra nghe thấy thấm như ở bên trong có rượu.
Sau phần đầu do Thanh Hải và Hồng Anh đảm nhiệm thì sang phần sau là Hồng Nhung với hơn mười bài, làm sao nói hết ? thôi tôi xin phép để dành cho tôi. Chỉ ghi thêm hai ấn tượng nữa.
Cả ba ca sĩ đều cho người nghe rất rõ, rất thấm, ca từ Trịnh Công Sơn. Đặc biệt Hồng Nhung, nhiều khi không ngần ngại đọc lời thơ thay vì hát. Tôi thấy đây là một bước phát triển mới rất thích thú, nó đi vào chiều sâu, và vì thế đi vào cái phổ quát. Trịnh Công Sơn không còn chỉ là một người du ca phản chiến, mà là một nhà thơ, nhà tư tưởng rất dân tộc và nhân bản. Nghe nói tại buổi kỷ niệm ở hội quán Hội Ngộ có đến trên 7000 người tham dự, thật mừng. Tôi nghĩ các thế hệ mới đồng cảm được với Trịnh Công Sơn là một điều tự nhiên, và là một điều vui, chỉ nói riêng về mặt ngôn ngữ, họ sẽ học được rất nhiều.
Điều nhớ cuối cùng tôi phải nói ở đây là rất phục hai nhạc sĩ piano Huy Thiện và ghi-ta Xuân Thịnh đệm đàn cho Hồng Nhung, không biết những người ở các phương trời khác nhau này tập chung được mấy giờ trước khi hát, mà ăn ý với nhau như thế, nhất là với một Hồng Nhung thật phóng khoáng và ngẫu hứng. Dĩ nhiên có những chỗ phải điều chỉnh với nhau ngay trên sân khấu. Nhưng như thế càng ấm cúng, càng vui, một sự tham dự trực tiếp mà.
Chỉ có một điều tiếc, là tiếc cho những ai không có được chỗ để vào nghe, chỉ có dưới hai trăm chỗ, và nghe nói từ hơn hai tuần trước đã đầy rồi. Mà chẳng thấy quảng cáo ở đâu cả.
Cám ơn các bạn lần nữa.
Hàn Thuỷ
(Bài này đã được báo Tuổi trẻ đăng lại ngày 09/04/2006)
Các thao tác trên Tài liệu