Bạn đang ở: Trang chủ / Góc bạn bè / Sinh-hoạt / [2008] Lưu diễn văn nghệ : Quê Hương Tình Người / Xin được gọi đó là “tình người”!

Xin được gọi đó là “tình người”!

- Webmaster cập nhật lần cuối 22/12/2008 15:54
TT - Chuyến lưu diễn "Quê hương tình người" vì trẻ em khuyết tật ở VN xuyên suốt bảy thành phố của Tây Âu, cuối cùng đã khép lại ở Paris trong một chiều mưa phùn lạnh giá giữa tháng 12.


Khán giả Paris đã ở lại đến phút cuối - Ảnh: Đức Dũng

Ngày cuối của QHTN ở Paris, ban tổ chức địa phương không khỏi lo lắng: các nghệ sĩ đã hát quá nhiều lần, đi quá nhiều nơi trong những ngày mùa đông đến sớm của châu Âu, mà ngay cả những người dân bản xứ cũng phải ngã bệnh. Nhưng các nghệ sĩ đã mau chóng gạt đi những ưu tư ngay từ những phút đầu xuất hiện trên sân khấu, trong một căn phòng đầy ắp khán giả.

Ca sĩ Thủy Tiên mở màn chương trình qua nhạc phẩm Làng tôi của Chung Quân và một loạt bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: Ðể gió cuốn đi, Giọt lệ thiên thu... Ca sĩ Hồng Anh của Paris nối tiếp Thủy Tiên lên sân khấu say sưa hát "nhạc anh Sơn" với Ngày dài trên quê hươngNgười mẹ Ô Lý. Nguyễn Thế Vinh tiếp tục xuất sắc và vô vàn rung động qua những bài độc tấu như Biển nhớ hay Tuổi đá buồn.

Richard Fuller khi cảm động, khi cực kỳ khôi hài qua các nhạc phẩm của họ Trịnh hay qua những bài dân ca như Qua cầu gió bay. Cứ thế, nhạc Trịnh Công Sơn như một sợi chỉ đỏ, vừa nhân hậu, vừa thi vị, trữ tình đã xuyên suốt, thu hút, dìu dắt khán thính giả của Paris qua tài nghệ của Thủy Tiên, Thế Vinh, Richard Fuller.

P.N.L, một khán giả người Việt ở Paris, bộc bạch: "Rất xúc động được nghe những giọng hát rất truyền cảm để nhớ lại Trịnh Công Sơn và quá khứ lịch sử VN... Rất cảm động và cảm phục những người nghệ sĩ bất chấp khuyết tật của mình để cống hiến cho công chúng những tài năng hiếm có".

Thật vậy, giữa những ngày tuyết rơi lạnh giá, chuyến lưu diễn từ thiện QHTN do Hội Vietnam, les enfants de la dioxine (VNED) tổ chức đã mang lại một món quà đầy "hồn Việt" cho hàng nghìn người Pháp, Ðức, Việt. Ý nghĩa hơn, các buổi diễn đã sưởi ấm những tấm lòng nhân hậu qua những thành quả thu gặt được cả về tinh thần lẫn vật chất trong việc gây quỹ phẫu thuật năm 2009 cho trẻ em khuyết tật ở VN (số tiền ban đầu chưa thống kê chính xác khoảng 13.000 euro).


Từ trái qua: Thủy Tiên, Richard Fuller và Thế Vinh

Chuyến lưu diễn không chỉ thành công ở tài nghệ thu hút khán giả của các nghệ sĩ, mà còn ở sự đồng vọng của những tấm lòng hướng về quê hương.

Sự đóng góp của bảy hội đoàn người Việt và của các cá nhân đã khiến chị Võ Bích Loan của Hội VNED phải viết: "Riêng đối với tôi, điều làm tôi xúc động hơn cả đó là tấm lòng của tất cả các anh chị, dù thuộc hội đoàn này, hội đoàn khác hay với tư cách cá nhân đã chung tay chung sức góp gió thành bão, tin vào những cái mình đang làm là đúng... Góp công đã đành, các anh chị lại không màng đến những chi phí đã phải xuất ra...để cùng với ba nghệ sĩ bên nhà nối vòng tay lớn từ Đông sang Tây, góp phần nhỏ bé của mình chia sẻ với các cháu có phận số phận không may ở quê hương. Xin được gọi đó là tình người".

Vâng, xin được gọi đó là tình người!

Paris, 20-12-2008

MARC GIANG
(theo tuoitre.com.vn, 22/12/2008)


Vừa trở về từ chuyến lưu diễn, nghệ sĩ Thế Vinh chia sẻ với Tuổi Trẻ:

Hôm diễn ở Paris, khi Thủy Tiên vừa dứt lời bài Làng tôi thì tôi cũng không cầm lòng được khi nghe tiếng nức nở của một cô gái bên cạnh. Cô gái ấy là Đan Thanh - người chơi dương cầm cho đêm hôm đó. Hôm ở Lille, trời bất thần đổ tuyết và chúng tôi thật ngỡ ngàng khi một anh bạn người Pháp đưa cả cha mẹ vượt hàng trăm cây số đến buổi diễn để anh em “tay bắt mặt mừng”. Nhiều khán giả ở Lille rơi nước mắt khi Richard (tên VN của anh là Trần Phong Phú) hát Ngụ ngôn mùa đông: “Người chết hai lần, thịt da nát tan...”.

Còn hôm ở Strasbourg, hội mượn một nhà thi đấu để diễn, nghệ sĩ chúng tôi cùng phụ dựng sân khấu, khi đến nơi đã thấy một người Pháp ngoài 60 tuổi đang khiêng và xếp ghế. Buổi diễn kết thúc, ông lại tiếp tục công việc dọn sân khấu đến hơn 12g đêm. Chúng tôi thật cảm động trước hình ảnh ấy, sau hỏi ra lại càng bất ngờ: ông là phó chủ tịch Hiệp hội bánh kẹo và sôcôla ở Pháp.

Hôm ở Cahors, đêm diễn kết thúc mà khán giả (khoảng 80% là người Pháp) không một ai ra về, Richard phải hát thêm vài bài nữa. Đêm đó, anh đã thốt lên trong nghẹn ngào: “Phú không thể chịu nổi khi nhìn thấy hình ảnh những trẻ em không nguyên vẹn hình hài, Phú xin lỗi vì chúng tôi đã gây ra đau thương này...”.

Các thao tác trên Tài liệu