Bạn đang ở: Trang chủ / Góc bạn bè / Sinh-hoạt / [2011] 10 Năm Nhớ Trịnh Công Sơn / Trịnh Công Sơn : Cát bụi mười năm

Trịnh Công Sơn : Cát bụi mười năm

- Webmaster cập nhật lần cuối 01/04/2011 17:38
Thụy My, www.viet.rfi.fr, 26/03/2011

Đã mười năm trôi qua, kể từ ngày người nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn về cõi vĩnh hằng, ngày 1/4/2001, nhưng đối với người yêu nhạc Trịnh thì dường như ông vẫn hiện diện đâu đây, với những ca khúc đã đi vào lòng nhiều thế hệ người Việt.

Tạp chí âm nhạc 26/03/2011
(19:18)
 
 

Ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh, em gái của cố nhạc sĩ cho biết đến nay vẫn chưa thể tin được là ông đã đi xa. Nhân dịp này chúng tôi cũng đề nghị chị giới thiệu sơ qua các chương trình đang được tổ chức tại Việt Nam để kỷ niệm Trịnh Công Sơn.

Mười năm nhớ Trịnh Công Sơn

Trước hết tôi xin chào quý thính giả của đài RFI. Thực sự theo tôi cái sống và chết thì cũng là lẽ tự nhiên của trời đất. Tuy nhiên đối với tôi sự ra đi của anh Sơn là một cái mất mát mà anh em chúng tôi không thể nào tin được. Đến giờ này cũng vẫn không tin đó là sự thật, mà bây giờ là đã mười năm trôi qua rồi.

Dạ thưa chị, mười năm nhưng nhiều khi có cảm giác như mới hôm qua phải không chị ?

Đúng rồi. Ở đây thì mỗi năm trên khắp cả nước Việt Nam, năm nào người ta cũng tổ chức những đêm nhạc để nhớ về anh Sơn rất lớn, và năm nay cũng vậy. Năm nay có lẽ là lần đầu tiên gia đình đứng ra cùng với bên Tập đoàn Truyền thông Thanh Niên và công ty BHD để làm một chương trình dài, gồm có sáu chương trình. Chương trình đầu tiên là ở Sài Gòn, đang chuẩn bị ở Hà Nội, sau đó ra Huế.

Năm nay chuỗi chương trình dài là tại vì ngày xưa thì anh Sơn sống gần gũi với sinh viên, vì vậy mà năm nay có ba đêm làm cho sinh viên ở Huế, Sài Gòn, Hà Nội và không có bán vé.

Lần này gần như có đầy đủ các ca sĩ nổi tiếng của Việt Nam, ví dụ như Cẩm Vân, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Thanh Lam rồi Quang Dũng, Đức Tuấn vân vân, nhưng đó là chương trình cho Nhà hát Lớn. Còn chương trình cho sinh viên thì cũng có những ca sĩ này hát, ngoài ra còn có thêm những ca sĩ trẻ nổi tiếng. Đặc biệt năm nay có Uyên Linh, Lân Nhã, Kasim Hoàng Vũ, nhiều lắm…

Chương trình đã được chuẩn bị hơn sáu tháng nay. Đạo diễn của chương trình Mười năm nhớ Trịnh Công Sơn ở Nhà hát Lớn là Phạm Hoàng Nam, còn tổ chức ngoài trời cho sinh viên là đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, đạo diễn âm nhạc là nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn. Tất cả cũng toàn là những anh em rất là gần gũi với anh Sơn, thành ra chương trình lần này có lẽ cũng đặc biệt hơn, vì đây là một nhóm những người rất thân, rất thương anh Sơn cùng nhau đứng ra làm.

Trao đổi với chúng tôi khi đang có mặt tại Hà Nội để chuẩn bị cho đêm diễn đầu tiên trong loạt chương trình mang tên Bóng núi, ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh bày tỏ sự ngạc nhiên về sự đón nhận nồng nhiệt của người hâm mộ miền Bắc. Tuy đã có khoảng mười chương trình nhạc Trịnh do nhiều đơn vị khác tổ chức, nhưng hai chương trình do gia đình Trịnh Công Sơn đứng ra làm vẫn không đủ vé bán.

Mình thấy năm nay ở Hà Nội cũng làm rất nhiều chương trình, đi đâu cũng thấy người ta nói về nhạc của anh Sơn. Riêng Hà Nội đã thấy tổ chức trên mười chương trình rồi. Bây giờ lần này gia đình tổ chức ở Hà Nội hai đêm thôi thì khán giả cũng yêu cầu làm thêm. Nhưng đã dự định trước chỉ hai đêm ở Hà Nội thôi, không thể làm thêm được mặc dù cũng rất muốn, vì còn lệ thuộc vấn đề xin phép. Không hiểu tại sao ở Hà Nội làm như vậy mà vẫn không còn vé để đáp ứng nhu cầu khán giả ở đây.

Chị Trịnh Vĩnh Trinh cho biết một trong những sự kiện mới của năm nay là việc một con đường ở Huế đã được đặt tên Trịnh Công Sơn. Bên cạnh các hoạt động âm nhạc, còn có các cuộc triển lãm một số tác phẩm hội họa của cố nhạc sĩ, và một số cuốn sách được xuất bản. Trong đó có tác phẩm Tôi là ai, là ai… gồm di cảo của Trịnh Công Sơn và các bài viết về ông. Đặc biệt tác phẩm Thư tình gởi một người, gồm trên 300 bức thư tình của nhạc sĩ gởi cho người tình đầu tiên, đã được bà gìn giữ suốt hơn bốn mươi năm qua, đến bây giờ mới được công bố.

Cũng có một điều lạ là ngày diễn đầu tiên của chương trình này là vào ngày 18/3, thì ngày 17/3 được tin các anh ở Huế báo vào là đã được chính thức đặt tên con đường Trịnh Công Sơn. Một điểm đặc biệt nữa là sẽ có ba cuộc triển lãm tác phẩm của anh Sơn tại Huế, Sài Gòn và Hà Nội. Bên cạnh đó cũng có hai cuốn sách. Một cuốn là Thư tình gởi một người, tập này dày gần 400 trang, và một tập thứ hai đa số là các bài viểt của anh Sơn cũng như các bài của bạn bè viết về anh Sơn. Tập Thư tình gởi một người bây giờ cũng rất nhiều người chờ đợi, thư tình của anh Sơn mình thấy cũng hơi đặc biệt, không giống như những lá thư tình mà chúng ta thường biết.

Có lẽ gia đình cũng không ngờ là có người đã giữ được suốt hơn bốn chục năm qua ?

Cũng nhờ lần này gia đình tổ chức kỷ niệm mười năm, tất cả các anh chị em mới hết sức lấy can đảm để bước vào phòng anh Sơn. Từ ngày anh ra đi, thực sự cũng không ai đủ can đảm để vào phòng anh ngồi thật lâu. Đây là dịp để nhìn lại, xem lại những tư liệu của anh Sơn. Và đến bây giờ thì đã đọc và scan được trên 6.500 tư liệu của anh. Đây là một tài sản vô giá đối với gia đình, nhưng đến ngày hôm nay thì cả gia đình thấy đây là tài sản chung của tất cả những người yêu thương anh Sơn.

Thưa chị như vậy có lẽ những người hâm mộ Trịnh Công Sơn sẽ có dịp được xem qua ?

Đúng rồi. Bây giờ thì trong gia đình mình ai cũng lớn hết rồi, mà đã có khoảng trên 17 cuốn sách viết về anh Sơn, trong đó cũng có một số điều chưa đúng. Thành ra mình phải scan để sưu tầm lại tất cả những cái liên quan đến anh Sơn. Mình mong thế hệ sau này khi cần tìm hiểu sẽ tham khảo những cái này để được chính xác hơn.

Tức là sẽ có một địa điểm để tập trung các tác phẩm, các di vật của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ?

Bây giờ thì cũng đang chuẩn bị, rồi cũng sẽ làm một website. Sau này bằng cách nào đó có thể cho ra dần những tư liệu của anh Sơn, để những ai muốn nghiên cứu thì coi những tư liệu từ gia đình mà mình nghĩ rằng đó là chính xác nhất.

Một dòng nhạc không hề đứt đoạn...

Bên cạnh loạt chương trình mà ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh đã giới thiệu ở trên, còn rất nhiều đơn vị và cá nhân khác đã đứng ra tổ chức những đêm nhạc kỷ niệm Trịnh Công Sơn. Đặc biệt tại hội quán Hội Ngộ ở Bình Quới, Thành phố Hồ Chí Minh, năm nào vào dịp này cũng diễn ra chương trình ca nhạc dành cho người yêu nhạc Trịnh. Nhà thơ Đỗ Trung Quân, người thường xuyên tham gia biên tập và giới thiệu chương trình tại đây nhận xét :

Đây là nhận xét cá nhân của tôi : Trịnh Công Sơn là một trường hợp phải nói là rất đặc biệt. Khi sống ông đã nổi tiếng, khi mất đi dường như ông còn nổi tiếng hơn rất là nhiều. Và mười năm qua thì tôi thấy là dòng nhạc của ông nó không hề đứt đoạn. Hình như cũng rất là hiếm hoi có một nhạc sĩ Việt Nam mà không cần có sự can thiệp, tổ chức của nhà nước, hàng năm cứ đến ngày mất là công chúng yêu nhạc người ta tự tổ chức. Tôi thấy ở Sài Gòn, Hà Nội, miền Trung – Huế, Đà Nẵng…thì hàng năm cứ đến tháng Ba, tháng Tư, tháng Ba hình như là sinh nhật, tháng Tư là ngày mất, thì đều có tổ chức những đêm nhạc của ông, một cách hết sức là tự nhiên. Có lẽ đây là một hiện tượng mà chúng ta cũng phải đi tìm câu trả lời về sự yêu mến rất là sâu sắc của công chúng đối với Trịnh Công Sơn.

Và tôi cũng nghĩ là không chỉ ở Việt Nam đâu, có lẽ là ở hải ngoại cũng vậy. Ở nơi nào có người Việt thì thế nào cũng sẽ có người tổ chức một đêm kỷ niệm ông trong tháng Tư này. Tôi đoán là như thế, và tôi cũng tin là như thế.

Bình Quới là khu du lịch có một cái Hội quán, nơi để khán giả người ta đến nghe nhạc của ông trong mười năm qua. Thì năm nay là năm thứ mười, Hội quán Hội Ngộ của Bình Quới tiếp tục làm kỷ niệm ngày tròn mười năm Trịnh Công Sơn qua đời. Chương trình như chúng tôi làm mười năm nay thì thường là gởi vé mời cho khán giả, không có bán vé. Các ca sĩ thì chúng tôi cũng kêu gọi tham gia, và hầu hết họ cũng không nhận tiền cát-sê. Ở đây hoàn toàn là tinh thần của những người yêu nhạc Trịnh Công Sơn, kể cả người hát lẫn người nghe. Những năm đầu tiên thì khoảng hai ngàn người tham dự, rồi tiếp tục tăng lên ba ngàn, năm ngàn, và năm ngoái thì chúng tôi thấy là khoảng gần mười ngàn người. Năm nay có lẽ cũng tương đương, xấp xỉ như thế.

Trong số các hoạt động tự phát của những người yêu mến nhạc Trịnh, chúng tôi thấy cần phải nhắc đến việc kiến trúc sư Nguyễn Tài My và các thân hữu, một tháng sau ngày Trịnh Công Sơn mất, đã lặn lội từ Sài Gòn ra Bắc, lên đến tận đỉnh Fansipan, đỉnh núi cao nhất Đông Dương. Họ mang theo một bức tượng của cố nhạc sĩ, và một chiếc rương chứa các nhạc phẩm của ông để đặt tại đây. Kiến trúc sư Nguyễn Tài My kể lại chuyến đi này :

Cái ngày đó là đúng một tháng sau khi Trịnh Công Sơn qua đời, tôi mới đi chung với nhóm Điện lực Chợ Lớn để đem tượng và nhạc Trịnh Công Sơn lên chôn ở đỉnh núi Fansipan, đỉnh núi cao 3.200m để ngưỡng mộ anh Trịnh Công Sơn. Những ngày anh vừa qua đời, có nhiều bài báo rất hay viết về anh. Tôi nghĩ là tôi không thể viết được như thế, thành thử tôi phải tỏ lòng ngưỡng mộ anh bằng cách mang tượng Trịnh Công Sơn và nhạc lên chôn trên đỉnh Fansipan – đỉnh cao thường được gọi là mái nhà Đông Dương.

Lên tới đỉnh ngày 1/5, tức là đúng một tháng sau khi anh qua đời. Đây là tượng do điêu khắc gia Đinh Xuân Lai làm, trước đây anh Trịnh Công Sơn thường ngồi nhìn tượng mình. Khuôn mặt tượng khá giống anh, tôi nghĩ là tượng đó hay hơn là các tượng khác về Trịnh Công Sơn. Tượng nặng, nên sau đó được đúc bằng composite để đi nhẹ nhàng hơn. Chúng tôi cũng mang theo một cái hòm trong đó chứa bốn trăm bài nhạc Trịnh Công Sơn, và một số bài báo nữa.

Khi đi lên đỉnh Fansipan là đi tới ba ngày trên rừng, lên trên núi Hoàng Liên Sơn, thành ra tôi phải mướn ba người dân tộc Hmông. Khi lên đó chôn tượng và nhạc, thì rất sợ người ta mang tượng đi và mang nhạc đi bán. Thì tôi có ghi trên cái hòm là ai mang hòm nhạc này ra khỏi đỉnh Fansipan thì bị bịnh ngặt nghèo, bịnh ung thư chẳng hạn. Và tôi nghe người ta nói - những người gần đây lên coi thì nó vẫn còn chôn trong chỗ góc đá đó. Thật ra tôi nghĩ rằng miễn là chúng tôi mang tượng đi là được rồi, lên chôn đàng hoàng để làm kỷ niệm, chứ còn lỡ nếu người ta gỡ đi thì cũng chẳng sao. Nhưng mà nghe nói tới bây giờ cũng còn – nghe nói thôi chứ tôi cũng không ra đó kiểm tra được.

Cái hồi đó đi khó lắm, phải chặt tre mà đi chứ không có đường như ngày nay đâu. Nghe nói bây giờ người ta làm đường sá rõ ràng lắm. Kỷ niệm hay nhất là ngủ trên đỉnh trâu – tức là cái chỗ đó nếu mình ngủ mà lăn lăn là chết đó, nó nhọn lắm. Đi ăn mì gói là chính, tại vì lạnh 1 độ, do đó nấu nước sôi hơi khó, thành thử chỉ có ăn mì gói là gọn nhất, ăn mì gói liên tục. Đó là cái kỷ niệm hồi tôi lên đỉnh Fansipan chôn tượng và nhạc Trịnh Công Sơn.

Trả lời câu hỏi, vì sao lớp thanh niên Việt Nam chưa hề biết về chiến tranh cũng yêu mến nhạc Trịnh Công Sơn, nhà thơ Đỗ Trung Quân cho rằng :

Cái thế hệ hát nhạc Trịnh Công Sơn bây giờ trẻ lắm. Ở trong khu Hội quán Hội Ngộ thì tôi thấy hàng năm có tổ chức những cuộc thi hát nhạc của ông, thì hầu hết những người dự thi là thế hệ bây giờ. Họ còn rất trẻ, chưa đến ba mươi đâu, hai mươi, hai mươi lăm thôi. Và tất nhiên vì họ không ở thế hệ chiến tranh nên họ không hát Ca khúc Da Vàng, không hát Kinh Khổ, Kinh Việt Nam vân vân. Họ hát tình ca của ông. Họ là một thế hệ hoàn toàn mới. Và hiện tại ở Việt Nam thế hệ ca sĩ trẻ bây giờ cũng hát nhạc Trịnh Công Sơn rất nhiều, tất nhiên họ hát tình ca.

Trịnh Công Sơn: "Nghệ sĩ Nhân dân" không danh hiệu chính thức

Lúc nãy anh có nói Trịnh Công Sơn là một nhạc sĩ mà người dân yêu mến tự tổ chức kỷ niệm. Nhưng hình như cho đến bây giờ Việt Nam có khá nhiều Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú, nhưng Trịnh Công Sơn thì không phải là Nghệ sĩ Nhân dân…

Vâng, đấy, thực ra cái danh hiệu đó với Trịnh Công Sơn nó thiết thực ở chỗ là, đấy, ông chính là Nghệ sĩ Nhân dân rồi. Người dân người ta tổ chức, những người yêu nhạc, những người hâm mộ, những người nghe nhạc của ông thuộc nhiều thế hệ tổ chức hát, vẫn luôn luôn nhớ tới ông. Tôi nghĩ cái đó nó trên mọi danh hiệu.

Được biết là ở Huế đã có đặt tên đường Trịnh Công Sơn rồi, nghe nói là có một vài địa phương khác cũng muốn có một con đường mang tên Trịnh Công Sơn phải không thưa anh ?

Tôi cũng được biết thông tin như chị, tức là Huế thì cũng đã có một con đường mới dọc theo sông Hương, là một con đường khá đẹp được mang tên của nhạc sĩ. Thực ra việc đặt tên đường là các nhà văn, văn nghệ sĩ thì cũng đã có ở Việt Nam, mặc dù khuynh hướng đặt tên đường là các nhà lãnh đạo nhiều hơn. Khu tôi ở - Phú Nhuận giáp ranh với Bình Thạnh thì tôi thấy vẫn có con đường Nam Cao, Thạch Lam, Nhất Linh trong cư xá quen gọi là Cư xá Lam Sơn. Bây giờ đối với một nhân vật như Trịnh Công Sơn, nếu nhà nước thấy rằng đóng góp của ông đối với nghệ thuật, đối với công chúng là xứng đáng, thì chuyện đặt tên đường cũng không nên quá là khắt khe. Tôi thì tôi ủng hộ việc không chỉ anh Sơn, những văn nghệ sĩ trong nhiều lãnh vực nghệ thuật, họa sĩ, nhà văn, nhạc sĩ vân vân, những nhân vật xứng đáng đã đóng góp cho nghệ thuật Việt Nam nói chung, nếu có tên đường thì cũng là điều đáng quý.

Nhưng đối với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nghe nói là vẫn còn một số tác phẩm vẫn còn đợi xin giấy phép thì việc được đặt tên đường có lẽ cũng đáng chú ý ?

Tôi nghĩ là việc xin giấy phép biểu diễn những tác phẩm của anh với việc đặt tên đường là hai vấn đề khác nhau. Thí dụ Ca khúc Da Vàng tôi được biết là có nhiều bài chưa được phép hát, vì nó ở một bối cảnh lịch sử khác, một thời điểm khác, vì nó không ngả hẳn về một phía nào cả. Nhưng đó là chuyện tác phẩm, còn chuyện đặt tên đường, công nhận sự đóng góp của nhạc sĩ thì, dù muốn dù không điều đó cũng rất là rõ ràng. Không phủ nhận được ảnh hưởng của ông đối với công chúng nhiều thế hệ. Bây giờ hòa bình rồi, nghe những ca khúc chiến tranh cũng chỉ để nhớ lại cái giai đoạn khói lửa thôi. Thế nhưng đến một lúc nào đó nếu được phép hát thì nó cũng làm ầy đặn cho di sản của ông. Còn hiện tại mảng Ca khúc Da Vàng chưa được cho phép hát nhiều. Chúng tôi làm chương trình chúng tôi biết chứ, mỗi lần đều phải xin phép và có những bài không được phép trình bày. Thì thôi chúng ta tạm để đó vậy.

Chúng tôi xin thành thật cám ơn ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh, nhà thơ Đỗ Trung Quân, và kiến trúc sư Nguyễn Tài My đã vui lòng tham gia chương trình Góc vườn âm nhạc mang tên Trịnh Công Sơn, Cát bụi mười năm, nhân kỷ niệm 10 năm ngày mất của cố nhạc sĩ.

Mời quý vị bấm vào phần âm thanh để nghe ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh, nhà thơ Đỗ Trung Quân, kiến trúc sư Nguyễn Tài My tâm sự nhân kỷ niệm 10 năm ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, cũng như một phần nhạc phẩm Cát bụi qua giọng hát Khánh Ly, và nhạc phẩm Ở trọ trần gian do chính nhạc sĩ trình bày.

Thụy My
www.viet.rfi.fr, 26/03/2011

Các thao tác trên Tài liệu