Khánh Ly: tiếng hát cho quê hương
Trong một lần về Việt Nam cách đây 13 năm, Khánh Ly có bước lên sân khấu ở một phòng trà tại Sài Gòn hát vài ca khúc quen thuộc của Trịnh Công Sơn, theo lời yêu cầu của khách có mặt hôm đó.
Tiếng hát Khánh Ly gắn liền với một thời
đau thương của dân tộc
Không qua mắt được công an nên chị đã được mời lên làm việc, hỏi chuyện có được giấy phép chưa mà hát.
Tháng Chín năm ngoái, báo chí trong nước đồng loạt đưa tin Khánh Ly đã có giấy phép để chính thức về Việt Nam biểu diễn. Nhưng chị không về.
Chuyện Khánh Ly có về nước hát hay không lại không thuần túy mang tính văn nghệ như với nhiều ca sĩ khác.
Hát cho quê hương
Khánh Ly về không phải là để được hát trên quê hương mà để hát cho quê hương đúng với tiếng hát đã gắn liền với nhạc Trịnh, không bằng tình ca, mà qua những Ca khúc Da vàng trong các băng nhạc Hát cho quê hương Việt Nam đã từng làm rung động lòng người và được thế giới biết đến.
Khánh Ly và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trở thành đôi nghệ sĩ không thể tách rời nhau từ khi hai người bước vào sân cỏ quán Văn, tụ điểm của sinh hoạt văn nghệ sinh viên vào cuối thập niên 1960.
Ở đó những ca khúc da vàng về thân phận quê hương, nỗi đau chiến tranh và mong ước hòa bình được cất tiếng hát lên lần đầu.
Neil L. Jamieson trong tác phẩm Understanding Vietnam khi nhắc đến nhạc Trịnh đã trích dẫn ba bài hát: Ta phải thấy mặt trời, Chính chúng ta phải nói và Những ai còn là Việt Nam với ca từ phản ánh cuộc nội chiến giữa hai miền:
Nhiều bài hát của Trịnh Công Sơn vẫn bị cấm ở VN
Những ai còn là Việt Nam triệu người đã chết
Hãy mở mắt ra lật xác quân thù
Mặt người Việt Nam trên đó
Đi trên những xác người
Bao năm thắng những ai…
Đất khổ là một phim của đạo diễn Hà Thúc Cần, thực hiện trong những năm đầu thập niên 1970 và không được phép phổ biến tại miền Nam thời bấy giờ.
Tác phẩm điện ảnh này phản ánh con người Trịnh Công Sơn, vì nhạc sĩ đóng vai chính trong bối cảnh của gia đình, trên quê hương chiến tranh và với người thân mang những lý tưởng khác nhau.
Lồng trong phim cũng là những ca khúc da vàng.
Em đi trong chiều mang hình ảnh buồn của một thiếu nữ nhận tin chồng chết ngoài chiến trường:
Thổi bùng khăn tang trắng giữa khung chiều
Em đi qua cầu có lá xôn xao
Một giòng sông sâu chở hồn thương đau.
Giữa cảnh tang tóc, đổ nát do chiến tranh kéo dài, qua phim này nhạc Trịnh đã như một lời nói thay cho thế hệ với những ước mơ hoà bình của Tôi sẽ đi thăm do chính nhạc sĩ hát hay những mong ước của tuổi trẻ trong việc xây dựng quê hương thể hiện qua ca từ Dựng lại người dựng lại nhà:
Lòng mẹ ta xưa kia bao la như Thái Bình Dương
Những đứa con lạc dòng mừng hôm nay xóa hết căm hờn
Mượn phù sa đắp trên điêu tàn lòng nhân ái lên nụ hồng.
Hai miền cùng cấm
Khánh Ly về Việt Nam mà chị không thể hát
những lời ca đã một thời gắn liền chị với Trịnh Công Sơn,
với thân phận quê hương, thì đó không còn
là Khánh Ly của Việt Nam
Năm 2002, đài truyền hình PBS ở Mỹ chiếu bộ phim Vietnam Passage với cuộc sống của sáu người Việt sau khi chiến tranh chấm dứt vào tháng 4-1975, trong đó có Trịnh.
Người dẫn chương trình, phóng viên David Lamb của báo Los Angeles Times, kể lại chuyện nhạc Trịnh bị cả hai miền Nam, Bắc cấm; chuyện sau năm 1975 nhạc sĩ phải đi nông trường lao động.
Trong phim, Trịnh Công Sơn xuất hiện bên cạnh Hồng Nhung với bài hát Huyền thoại Mẹ và khi đó nhạc sĩ chỉ còn viết những ca khúc ca ngợi tình yêu.
Ca khúc da vàng của Trịnh Công Sơn đã là đề tài nghiên cứu ở Nhật, Pháp, Hoa Kỳ.
Giáo sư John C. Schafer của California State University, Humboldt trong tác phẩm Trịnh Công Sơn Bob Dylan như trăng và nguyệt? (Cao Thị Như Quỳnh dịch, Nxb Trẻ 2012) đã soi rọi và đối chiếu quan niệm phản chiến giữa hai nhạc sĩ sống cùng thời đại, bị ảnh hưởng bởi cùng một cuộc chiến.
Tác giả phân tích ca từ trong Ngày dài trên quê hương, Huế Sài Gòn Hà Nội, Một buổi sáng mùa xuân, Dựng lại người dựng lại nhà, Gia tài của Mẹ.
Khi nhắc đến ca khúc da vàng của Trịnh thì không thể tách rời Khánh Ly vì tiếng hát của chị đã chuyên chở những nỗi đau và ước mơ đến với người nghe.
Vì thế, Khánh Ly về Việt Nam mà chị không thể hát những lời ca đã một thời gắn liền chị với Trịnh Công Sơn, với thân phận quê hương, thì đó không còn là Khánh Ly của Việt Nam đã được người Việt và thế giới biết đến.
Nhạc Trịnh có hai bản đồng ca một thời vang vang khắp miền Nam, từ sân trường đại học, quán cà phê cho đến thôn làng xa xôi.
Ngày chiến tranh chấm dứt, Trịnh Công Sơn để lại dấu ấn qua ca khúc Nối vòng tay lớn trên đài phát thanh Sài Gòn trưa ngày 30-4-1975 bằng chính giọng hát của mình:
Ta đi vòng tay lớn mãi để nối sơn hà
Mặt đất bao la anh em ta về
Gặp nhau mừng như bão cát
Quay cuồng trời rộng
em>Bàn tay ta nắm nối liền một vòng Việt Nam.
Ca từ đó nay vẫn vang vang trong lòng người Việt. Nhưng nhiều ca khúc da vàng khác nay vẫn còn bị cấm, trong đó có Gia tài của Mẹ. Đây cũng là bài đồng dao đã được rất nhiều người miền Nam biết đến.
Nhiều người nghĩ anh Sơn là ‘một nhà tiên tri’
hoặc có những ‘dự cảm thiên tài'
Một trăm năm đô hộ giặc tây
Hai mươi năm nội chiến từng ngày
Gia tài của mẹ để lại cho con
Gia tài của mẹ là nước Việt buồn
Dạy cho con tiếng nói thật thà
Mẹ mong con chớ quên mầu da
Con chớ quên mầu da nước Việt xưa
Mẹ mong con mau bước về nhà
Mẹ mong con lũ con đường xa
Ôi lũ con cùng cha quên hận thù.
Ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh trong lúc chuẩn bị cho đêm nhạc năm thứ 12 ngày mất Trịnh Công Sơn, dự kiến sẽ diễn ra chiều 31/3 tại Hồ Bán nguyệt trong khu Phú Mỹ Hưng, đã chia sẻ thông tin cho bạn bè về một số ca khúc da vàng mới được nhà nước cho phép phổ biến cùng với cảm nhận riêng của chị về dòng nhạc của anh mình:
Bây giờ ở Việt Nam, nhiều người nhìn lại những ‘Ca khúc Da vàng’ và đặt trong bối cảnh tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông cùng những việc khác… Nhiều người nghĩ anh Sơn là ‘một nhà tiên tri’ hoặc nói theo Giáo sư Tương Lai đó là những ‘dự cảm thiên tài’.
Sau bao năm mơ ước, đất nước đã hoà bình. Nhưng tại sao nhà nước nay vẫn cấm nhiều bài trong số khoảng 100 ca khúc da vàng của Trịnh Công Sơn?
Giáo sư Cao Huy Thuần trong đêm nhạc tưởng nhớ 10 năm Trịnh Công Sơn ở Paris có nhận xét:
Hòa bình là tình trạng ai ai cũng có thể nói lên được điều mình mơ ước… Ấy vậy mà hát Trịnh Công Sơn chỗ này chống, chỗ kia đối, chỗ nọ xì xào, da vàng da đỏ. Hòa bình chỗ nào?
Chiến tranh chấm dứt rồi. Điều đó không có nghĩa rằng hòa bình không còn là giấc mơ.
Trong hiện tình quê nhà, Khánh Ly trở về mà không hát ca khúc da vàng, không cất tiếng với Gia tài của mẹ thì đó không phải là Khánh Ly được người Việt và thế giới biết đến.
Vì chị đã là tiếng hát tâm thức của Việt Nam.
Khi đó nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ở cõi vô thường không biết có mỉm cười được không?
Bùi Văn Phú
Gửi cho BBC từ California, 29 tháng 3, 2013
Tác giả dạy đại học cộng đồng và là một nhà báo tự do hiện sống tại vùng Vịnh San Francisco, Hoa Kỳ.
Các thao tác trên Tài liệu