Bạn đang ở: Trang chủ / Góc bạn bè / Sinh-hoạt / [2015] Kỷ niệm 14 năm / Hạ huyền lá bay

Hạ huyền lá bay

- Webmaster cập nhật lần cuối 19/04/2015 07:36
Hàn Thuỷ, 16/04/2015

Hạ huyền lá bay


Hàn Thuỷ

(Ảnh : Phạm Văn Đỉnh)



phuongnga
Người dẫn chương trình Phương Nga

Để kỷ niệm Trịnh Công Sơn mỗi năm vào mùa này, ngày 04 tháng tư vừa qua đêm nhạc có tên Hạ Huyền, do Hội Văn hoá Trịnh Công Sơn tổ chức đã diễn ra tại nhà hát Aydar, quận 7 Paris. Hạ Huyền, thoạt nghe rất nên thơ, nhưng có lẽ ít người trẻ còn biết nghĩa. Huyền là «nửa vừng trăng», nhìn hình cái cung, vì huyền nguyên nghĩa vừa là dây đàn vừa là dây cung, rồi cái cung, rồi mặt trăng nửa sáng nửa tối; còn Hạ là hạ tuần, tức phần cuối của tháng âm lịch, nửa vầng trăng cuối đó, mọc vào 22 hay 23 mỗi tháng. Hạ Huyền, hai phụ âm 'h' nối tiếp như tiếng thở dài nhè nhẹ, âm hưởng mông lung buồn, nhưng lại ẩn chứa tương phản sáng và tối, ẩn chứa sức căng của cánh cung và dây đàn, của cuộc đời và nghệ thuật. Đó cũng là cái tên thật hay, thật quý phái, xứng đáng với ban nhạc trong đó Giang Trang là ca sĩ, một nhóm nhạc rất độc đáo ở Hà Nội, ta sẽ trở lại sau...

*

Đêm nhạc phần lớn do Giang Trang và ban nhạc đảm nhiệm, nhưng có ba khách mời khác là ca sĩ Tùng Dương từ Việt Nam và đôi song ca Hồng Ngọc - Thanh Lâm từ Bỉ.

Tùng Dương không chỉ hát Trịnh Công Sơn, những nhạc sĩ và bài hát khác được anh chọn cũng có lời và nhạc rất đẹp, tuy dĩ nhiên với một phong cách khác, hoàn toàn là những người bạn "cùng chiếu rượu" vui vẻ. Khán thính giả đã được nghe Trần Tiến (Quê nhà), Ngô Thuỵ Miên (Muà thu cho em) và đặc biệt "Chiếc khăn Piêu" của Doãn Nho, bài đã đem lại giải bài hát của năm 2012 tới Tùng Dương. Anh như một contre-point cho đêm nhạc, cả khi anh hát Trịnh Công Sơn. Chỉ tiếc, với tôi, phong cách biểu diễn có hơi hơi quá cái khác biệt cần có cho một "đối âm" hài hoà. Thú thật, sau vài phút nhìn tôi đã nhắm mắt nghe, để thưởng thức thoải mái hơn một giọng ca rất ấm, khoẻ đẹp, diễn tả chính xác lời ca. Vì tôi đã ở cái tuổi không còn thích hợp với phong cách rất biểu hiện của Tùng Dương, vừa diễn vừa hát vừa giao lưu vớí khán thính giả, rất được những người trẻ hưởng ứng. Tùng Dương mà tôi được nghe trước kia, điều độ hơn.


Tùng Dương
Tùng Dương và Thanh Phương


Tôi đã được nghe Hồng Ngọc trong vài lần gặp gỡ bạn bè Pháp - Bỉ, nhưng Thanh Lâm thì chưa. Lần này hai người hát chung, với một ghi ta thùng của Hồng Ngọc, của phong cách «du ca» thủa nào. Nhưng phải nói khi Thanh Lâm hát chung, lại góp thêm một sắc thái thanh nhạc cổ điển rất đáng ngạc nhiên và thích thú. Đặc biệt khi con gái Hồng Ngọc, Phiêu Linh, đệm dương cầm cho hai người.


hong-ngoc

hongngoc++

Hồng Ngọc và Thanh Lâm đã hát rất hay "Giọt lệ thiên thu", "Xin cho tôi", và "Hoa vàng mấy độ". Nhưng trong tôi còn đọng lại cái ngạc nhiên nghe "Vết lăn trầm" theo phong cách cổ điển, không khai thác mạnh chất Jazz như phần đông các ca sĩ, một thử thách mới lạ làm người ta chú ý. Và làm tôi lúc đó tự hỏi: những vẻ đẹp ta nghe thấy trong nhạc Trịnh Công Sơn nằm ở đâu ? ẩn chứa sẵn trong những dòng kẻ ? hẳn là thế, và có lẽ không hẳn là thế. Một tác phẩm âm nhạc là của nhạc sĩ, nhưng một cuộc trình diễn là của cả ba thành viên, nhạc sĩ, nhạc công và người nghe. Nói nhạc công thuần tuý chỉ là người đem cái đẹp của nhạc sĩ đến người nghe, thì quá đơn giản. Mặc dù cả người biểu diễn và người nghe đều muốn biểu lộ, muốn biết, tác giả và tác phẩm nói gì, nhưng người biểu diễn cũng là người sáng tạo, và trong sáng tạo đó cũng có cảm nghĩ và tâm tình của bản thân. Nói cho cùng, người nghe cũng thế, đồng sáng tạo một cảm nhận nghệ thuật trong tâm tưởng, vui biết mấy. 

Có thể những câu đó nhàm chán, nhưng, người nghe nhớ lại được điều ấy chính vì vừa có một cảm nhận mới. Về một góc khuất ? về một tầng ý nghĩa và cảm nhận nghệ thuật sâu hơn của nhạc sĩ, về nhạc sĩ ? Tặng người nghe những cảm nhận nghệ thuật, là sự biểu diễn đích thực; có những ca sĩ chuyên nghiệp đã quên cái "nghiệp" của mình, cho nên "chuyên nghiệp hay tài tử ?" là câu hỏi rất phụ. Điều này lại càng rõ với nhóm Giang Trang. Và đây là thành công của đêm nhạc.

*

Tôi đã từng ao ước, trên mặt báo này, và cũng nhân một buổi văn nghệ kỷ niệm Trịnh Công Sơn, về một ban nhạc nhỏ, nằm giữa chiếc ghi ta thùng đơn lẻ và một ban nhạc hoành tráng còn chưa thích hợp với nước ta, để đi sâu vào nghệ thuật và tâm tưởng của tác giả hơn nữa. Nhưng cũng chỉ tưởng tượng được một ban nhạc nhỏ kiểu thính phòng hay jazz của Âu Mỹ.

Gặp Giang Trang và Hạ Huyền, mới biết, và buồn cười cho mình. 

Hoá ra có một giải pháp như mình muốn mà không như mình nghĩ, lại hơn cả mong ước. Rất độc đáo mà lại cực kỳ thích hợp, một cây sáo, một đàn tranh, một piano và một ghita. Chẳng quản đó là hàn lâm kiểu Âu Mỹ hay truyền thống kiểu Việt Nam, đây là một ban nhạc hay, lão luyện, âm sắc mới, phối khí rất ấn tượng. Đàn tranh của Vân Mai đôi khi phá cách chơi rất hiện đại, tiếng sáo của Lê Thư Hương khi đi kèm lời ca, cộng hưởng rất ăn ý, và đại diện rất đẹp cho nó khi ban nhạc chơi riêng. Piano của Trọng Kiều và ghita điện của Thanh Phương có vai trò tưởng như khiêm tốn hơn, nhưng thực ra không thể thiếu để tăng thêm âm vực, âm sắc và sự tròn đầy của ban nhạc. Ở đây phải cảm ơn người phối khí nhạc sĩ Thanh Phương (cũng là người thủ cây đàn ghita), khi cả năm người đều trình diễn trong một crescendo, tôi bàng hoàng. Cùng với Giang Trang và các bạn diễn, anh làm cho người ta nhận biết một tồn tại nghệ thuật tự nó và vì nó ; độc lập, không nguy nga sừng sững, nhưng đứng riêng một cõi : Giang Trang và Hạ Huyền, thế thôi. Không cần thêm gì khác. 


GT +HH
Giang Trang và ban nhạc Hạ Huyền, với Trọng Kiều (Piano),
Lê Thư Hương (sáo), Vân Mai (Đàn tranh), Thanh Phương (ghita)


Đã nói nhiều về ban nhạc, để giới thiệu người hát, không gì bằng trích lời giới thiệu với khán thính giả, từ anh Cao Huy Thuần, chỉ xin trích đoạn này thôi, vì chẳng lẽ "đạo văn" dài dòng từ một người huynh trưởng, mà chỉ để nói về Trinh Công Sơn, tôi học hỏi được rất nhiều :


CHT + GT

Giang Trang đến với Trịnh Công Sơn từ năm 12 tuổi, khi cô tình cờ nghe Trịnh Công Sơn đàn và hát tại trường Đại Học Hà Nội. Từ tình cờ, cô làm quen với nhạc TCS, rồi từ làm quen đến thân thiết, từ thân thiết đến yêu, quá trình đó len lỏi trong cô cho đến khi cô 20 tuổi. Ở cái tuổi đã có chút kinh nghiệm sống đó, khi cô đã biết thế nào là đẹp, thế nào là tốt, thế nào là tử tế, cô khám phá ra sự đồng cảm tự nhiên giữa tâm hồn của mình với cái đẹp trong ca từ TCS. Cô sống với nhạc TCS từ đó. Trong suốt 4 năm sinh viên, cứ mỗi thứ tư hàng tuần, cô đến hát TCS tại Quán Nhạc Tranh, nơi quy tụ của giới trẻ yêu nhạc. Sinh viên hâm mộ GT từ ngày ấy.


*

Danh mục các bài hát Trịnh Công Sơn của Giang Trang không có những bản tình ca với lời và nhạc vừa diễm lệ vừa mông lung của xã hội những năm 60, 70; cũng không có những "ca khúc da vàng" phản chiến quặn đau của những người đã trải qua tuổi trẻ trong giai đoạn đẫm máu và nước mắt đó của đất nước. Cô sinh ra và lớn lên trong hoà bình, tuy rằng xã hội Việt Nam ngày nay vẫn còn những điều làm cho người ta phải tự nói thầm "tôi ơi, đừng tuyệt vọng", cảm nhận về nhạc Trịnh của cô và các bạn có lẽ nặng về cái đẹp của âm nhạc và của ca từ hơn là về bầu không khí xã hội thời Trịnh Công Sơn. Đây là điều đáng mừng, hai lần. Mừng vì cái đẹp phổ quát của nghệ thuật và tâm hồn một nghệ sĩ lớn đã vượt khỏi không gian và thời gian, và mừng vì cái đẹp phổ quát ấy có được một người và một ban nhạc thấu hiểu để chuyển tải đến tuổi trẻ Việt Nam hiện đại.

GT-2Giọng của cô trong và đẹp, có cái sang trọng của người Hà Nội ngày xưa, đúng là có gợi nhớ giọng Khánh Ly. Nhưng phong cách biểu diễn rất khác. Có thể nói Giang Trang có một phong cách hát rất độc đáo so với mọi ca sĩ hát Trịnh Công Sơn. Nhiều khi từng câu từng câu được tách rời, thì thầm, sâu lắng, khoảng lặng giữa các câu lâu hơn người khác một chút, như thể người hát vừa hát vừa ngẫm nghĩ. Để rồi đến khi tiếng hát thoát ra giọng thầm thì đó, vang lên, càng làm cho người ta sửng sốt, khi ấy sức thuyết phục của tiếng nhạc và lời ca càng mạnh. Người ta có cảm tưởng ca sĩ (và cả ban nhạc nữa, vì họ phối hợp với nhau thật nhuần nhuyễn) cũng như tác giả, sau khi thầm thì nói với mình một điều gì đó, đắn đo, chọn lựa, nhận định... về mình, về cái đẹp, về số phận con người... thì quay ra nói với người nghe một cách khẳng định hơn một điều gì vui, một điều gì buồn, một điều gì thanh thản, một dấn thân trong nghệ thuật và trong cuộc đời.

Nghệ thuật, và phận người, luôn luôn là mâu thuẫn, đầy mâu thuẫn, đều là những nửa vầng trăng. Suy tư về nghệ thuật và phận người một cách chân thành, không thể không nói đến cái tôi, một cái tôi cũng đầy mâu thuẫn. Và tôi nói về tôi, có khi không thể không thầm thì. 

Trong chín bài hát được Giang Trang trình diễn hôm ấy có đến năm bài trực tiếp nói về cái tôi hiển ngôn của tác giả, và hai bài khác cũng có thể diễn giải như nói về cái tôi :

GT +TPtôi và em : 

"Tôi đã yêu em bao ngày nắng"...
"yêu trong nỗi vui đợi chờ"...
"yêu trong nỗi đau tình cờ" 

(Trong nỗi đau tình cờ)

tôi và tôi :

"Lòng thật bình yên mà sao buồn thế"
"Giật mình nhìn tôi ngồi hát bao giờ" ...

"Lòng thật bình yên mà sao buồn thế"
"Giật mình nhìn tôi ngồi khóc bao giờ"

(bên đời hiu quạnh) "

Còn nữa : bài "Rồi như đá ngây ngô", bài "Tôi ơi đừng tuyệt vọng", bài "Chờ nhìn quê hương sáng chói"; tất cả đều là cái tôi nội tâm vừa phong phú vừa đầy mâu thuẫn, về tôi và cuộc đời, và em. "Rừng xưa đã khép" nói về "ta" và "em" một cách khá siêu thực, có thể cảm nhận như tác giả nói về tôi và nghệ thuật, một chủ đề cực kỳ khó trực tiếp đề cập. Trong bài "Vườn xưa", tác giả dùng chữ "người" trong một đối thoại trực tiếp, nói với người, cũng là nói về cái tôi của kỷ niệm.

Tại sao các bài hát của Giang Trang thường lại như thế ? Đó là chọn lựa của cô, đầy suy tư và cảm nhận nghệ thuật, nhưng cuối cùng khó biết tại sao, không nên hỏi thêm.

Còn lại hai bài "Bà mẹ Ô Lý" và "Góp lá mùa xuân", trong đó tác giả xuất hiện đơn giản như mọi tác giả khác, thoạt như để mô tả và cảm nhận về hai con người nghèo thật bình thường trong xã hội. Bài "bà mẹ Ô Lý" đã quá nổi tiếng, xin nói vài câu về "Góp lá mùa xuân", mà theo riêng tôi là bài đã được trình diễn tuyệt vời nhất trong đêm nhạc. Chỉ xin trích dẫn đoạn đầu và đoạn cuối với in nghiêng là những tiếng thầm thì :

GTNgười phu quét lá bên đường
Quét cả nắng vàng
Quét cả mùa Thu
Rừng thu phơi những cành khô
Trăng về sau hè
Ngày thu xanh yếu làn da
Em nằm ốm chờ

...

Mùa Xuân lót lá em nằm
Lót đầy hố hầm
Lót lời đạn bom
Người phu thôi quét bên đường
Quét chỗ em nằm
Quét cả mùa xuân

Phải nghe Giang Trang cùng với phối âm và biểu diễn tuyệt vời của ban nhạc để thấy diễn tả này đẹp như thế nào. Khi thầm thì sâu lắng, tôi như nghe thấy lá rơi nằm lặng lẽ trên mặt đường. Khi tiếng hát vang cao, tôi như nghe thấy tiếng lấp lánh của lá rơi trong nắng bay phấp phới. Nhưng xin đừng quên, lá rơi trong mùa Xuân, và người phu góp lá trong mùa Xuân, ẩn dụ đau nhói của số phận những người trẻ đã chết trong cuộc chiến. Bài này Trịnh Công Sơn viết năm 1969.

Người xưa nghe bạn đánh đàn đã nghe tiếng mây bay và nước chảy, bên ngoài cuộc đời. Cảm ơn Giang Trang và Hạ Huyền cho tôi nghe tiếng lá rơi, và tiếng lá bay, trong cuộc đời này. 

Hàn Thuỷ


Các thao tác trên Tài liệu