Ngày trở về của Hồng Ngọc 'du ca'
(TT&VH Cuối tuần) - Làng nhạc nhẹ Việt Nam có ít nhất 4 nữ ca sĩ cùng tên Hồng Ngọc. Nổi tiếng nhất trên Google không ai khác là Hồng Ngọc “Mắt nai chachacha”. Kém chút là Giang Hồng Ngọc giải Tư Ngôi sao tiếng hát truyền hình được đồn thổi là một trong những “giai nhân của Hà Dũng”. Hiền lành, ít nói như Hồng Ngọc của nhóm hát Năm Dòng Kẻ cũng một thời xôn xao làng giải trí khi trở thành thành viên đầu tiên của nhóm lấy chồng, một đồng nghiệp nổi tiếng không kém - Lê Minh, cựu thành viên nhóm MTV. Duy nhất có một Hồng Ngọc thì lại lặng lẽ… biến mất, để lại không ít nhung nhớ cho những người từng một thuở mê nhóm Du Ca của nhạc sĩ Trần Tiến. Cô Ngọc ấy mắt một mí hay cười, giọng hát tự nhiên và phóng túng như là chất du ca đã chảy sẵn trong huyết quản… Trên một vài diễn đàn, thoảng có gặp người lọ mọ đi tìm lại những bài hát của “Hồng Ngọc du ca” như Tạm biệt chim én, có người vẫn còn nhắc: Hồng Ngọc đoạt giải trong cuộc thi Giọng hát hay Hà Nội năm 1987. Chim én nhỏ Hồng Ngọc hình như đã bay xa, bay tận sang Bỉ định cư thì phải…Đúng là chim én đã bay xa, nhưng chim én vẫn quay về…
Phật tử Hồng Ngọc bên Hòa thượng Thích Thọ Lạc, chùa Yên Phú, trong lễ nhận bằng kỷ lục Guiness 2012 của CLB nghệ thuật Liên Hoa mà chị là một thành viên. Ảnh: Thúy Thúy
Hồng Ngọc vẫn trẻ và hồn nhiên như thuở Du ca đồng nội của chị. Năm 1998, Hồng Ngọc sang Bỉ định cư theo chồng là một luật sư. Từ đó đến nay, khán giả của Du ca không còn được gặp lại chị trên sân khấu trong nước. Có lẽ, họ không biết rằng Ngọc vẫn về Hà Nội thường xuyên, chủ yếu là muốn được gần gũi và chăm sóc bố mẹ già của mình. Cuộc sống xa quê với rất nhiều biến cố không khiến chị già đi, ngược lại, giúp chị ngộ ra được nhiều điều cho tâm hồn mình và thú vị nhất là tự thấy giọng hát của mình được đầy đặn hơn xưa nhiều. Tiếng cười thoải mái, hồn nhiên và giọng nói nhẹ tưng, vui vẻ của chị sau bao nhiêu năm vẫn nguyên vẹn. Điều này gây tò mò lớn nhất cho tôi. Chị kể, ra đầu ngõ mua quà sáng cho bố mẹ, bà bán bún không biết nghe ai kể, thốt lên bảo chị là sao sinh sống ở Bỉ lâu vậy mà vẫn nói năng, ăn mặc như người ở đây, chẳng khác gì…
Ngọc sang Bỉ cùng cô con gái riêng khi đó khoảng 5 tuổi. Ban đầu, chị dùng tiếng Anh để giao tiếp với chồng, sau, chị kịp học tiếng Pháp để “cãi nhau”. Hai năm đầu sống không gia đình thân thuộc, không bạn bè, không môi cảnh thân quen khiến chị thực sự bị ức chế và ông xã - một luật sư khác hẳn giới nghệ sĩ như chị - đã như một cái “bùi nhùi”; mọi ức chế do ngoại cảnh chị dồn hết vào mối quan hệ với anh, một trong hai người thân quanh chị khi đó, bên cạnh cô con gái riêng quá bé nhỏ để có thể nghe chị chia sẻ. “Mãi về sau, khi chia tay rồi, khi trải qua nhiều biến cố, mình mới ngộ ra rằng: con người ta khổ nhất là bị lệ thuộc vào các thói quen. Mình đã từng bị lệ thuộc vào đủ mọi thói quen khi còn ở nhà, từ cách sống đến suy nghĩ. Khi sang môi trường sống mới, mọi thứ không còn thân quen nữa nên mình cũng khó mà bình thường được. Mà tính mình vốn dĩ đầy bất thường…”.
Hồng Ngọc trong cuộc gặp gỡ với TT&VH Cuối tuần. Ảnh An Đông.
Chị đi làm. Mọi việc có thể khi đó để hai mẹ con sống ổn định. Chị đi bán hàng, đứng quầy thu ngân, dạy tiếng Việt cho người có nhu cầu… và thời gian đầu, chị cũng đi hát phục vụ kiều bào ở Pháp, Bỉ… Nhưng được một thời gian, chị tự thấy chán việc hát “vì không có gì mới, lần nào cũng ôm cái ghi-ta hát vậy vậy. Kiếm ban nhạc ở bên đó thì khó như giời ấy…”. Chị nói thế và tiếp tục kể về các cách kiếm sống. Ngọc vốn từng đi học cắt may ở một hợp tác xã may trên phố Hàng Trống (Hà Nội) từ lúc thiếu niên. Chị thích may vá và tự thiết kế đồ cho riêng mình. Nhưng nghề đó thì cần sự tĩnh tại, tỉ mỉ. Ngọc lại là người thuộc “căn tính động”, thích luôn chân luôn tay, có khi còn cả luôn miệng nói cười, chia sẻ nữa. Sau một thời gian lăn lộn với đủ nghề, chị quyết định mở một cửa hàng nhỏ ngay tại nhà, kiếm quần áo bằng lụa tơ tằm hoặc hàng vải thô, có chút hoa văn vẽ bằng tay đượm màu châu Á để bán. Thế là mỗi dịp về nước, chị thêm bận rộn, có khi tranh thủ đi tận Hàng Châu (Trung Quốc) để kiếm mẫu mã theo ý thích của khách hàng. Còn lần này, chị đã tiến thêm một bước nữa trong việc phát triển cửa hàng, tự thiết kế, tìm cửa hàng vải và may ưng ý để có một chu trình khép kín và kiểm soát được chất lượng hàng. Khách của chị đa phần là quen, đôi khi họ ghé qua chỉ để tâm sự, buôn dưa lê và xả stress với cô chủ mau mắn, chân thành.
Cô con gái Phiêu Linh trong một buổi biểu diễn nhạc rock ở trường học
Nói chuyện về cô con gái riêng năm nay 19 tuổi, đôi mắt chị thêm lấp lánh vui. Phiêu Linh, tên cô bé, đã theo học piano cổ điển từ 5 tuổi. Hai mẹ con gắn kết với nhau như hai người bạn tâm giao tri kỷ, vậy mà chị không hề biết con đã thành lập một nhóm nhạc rock trong trường phổ thông và còn tập tành sáng tác nữa. Chị càng ngạc nhiên khi con học trong môi trường tiếng Pháp thuần túy nhưng các ca khúc rock của cô bé thì được viết lời bằng tiếng Anh, “Linh còn tự dịch chúng sang tiếng Việt, khá giàu ý nghĩa. Tiếng Việt của Linh giỏi phết, còn được bố khen là nói giọng Hà Nội hơn mẹ vì giọng tiếng Việt của Linh đều đều, nhỏ nhẹ chứ không lên bổng xuống trầm rắc rối như giọng mẹ…”, Ngọc cười phá lên thoải mái. Giải thích về thiên hướng của con gái, chị bảo, chắc là do gen di truyền của cả bố lẫn mẹ. Linh nói với mẹ là đi học piano cổ điển chỉ vì chiều mẹ và nếu mẹ muốn Linh học lên đại học, vào nhạc viện với chuyên ngành này, cô bé cũng vẫn chiều mẹ.
Linh chăm mẹ Ngọc lắm, sau giờ học sáng, cô bé tranh thủ về nhà nấu cơm cho mẹ, dặn dò mẹ ăn uống và ngủ trưa để giữ sức khỏe. Điểm quý giá nữa của cô con gái là sự trong sáng tuyệt đối và thẳng thắn. Theo bản tính đó, Linh có khi còn “dạy” lại chị cách ứng xử với xung quanh khiến chị chỉ còn cách nhận lỗi. Chị kể về lần chị đang bán hàng cho khách, có “PR” một chút về lụa Hàng Châu rằng hàng này là được làm từ trên núi cao của Trung Quốc và chị thân chinh mang về tận Bruselles… Cô bé nghe câu được chăng, chờ khách về, ngay lập tức “phản pháo” lại mẹ rằng “mẹ phải thật thà, không được nói dối khách là hàng này từ trên núi rơi xuống mà do mẹ đi lấy hàng từ các cửa hàng ở Hàng Châu thôi”. Chị khoe ảnh con gái và bảo: “Giờ, nó là tình yêu lớn nhất của chị đấy!”.
Phiêu Linh – tình yêu lớn nhất của mẹ Ngọc hiện tại, ảnh do nhân vật cung cấp
14 năm với những đổ vỡ, vất vả để trụ lại một nơi vốn xa lạ, và góp phần lo cho ba mẹ con chị gái cùng sang Bỉ định cư, Ngọc đã làm được nhiều hơn rất nhiều thứ cho cuộc sống thực tế nếu so sánh với hình ảnh bề ngoài của một ca sĩ du ca thuở nào, hồn nhiên với cây guitar và những khúc lãng du của Trần Tiến. Cũng khoảng thời gian ấy đã cho chị được một điều quý giá khác, đó là một sự tự do thực sự trong nội tâm. Chị đã qua được cái giai đoạn mà mọi quyết định hay ý thích của mình thường phải kèm theo chữ “vì” hay “chẳng lẽ”, hoặc do ngoại cảnh, hoặc do thiếu tự tin, hoặc do quá lo lắng về những được - mất trước mắt. Chính vì thế, tiếng hát của chị giờ đã khác, đầy đặn, an nhiên và tự do tự tại. Mong muốn của chị là sẽ sớm có dịp thực hiện một đêm nhạc không bán vé để được gặp lại và chia sẻ nhiều nhất có thể với những khán giả một thời của mình. Một đêm nhạc thật đẹp theo đúng nghĩa nghệ thuật. “Và cũng đến lúc công khai người bố nổi tiếng của cô con gái yêu chứ nhỉ?” - chị cười thoải mái: “Bố con, chị em chúng nó gặp nhau suốt ấy mà. Họ yêu nhau là đủ rồi…”.
Ngọc chuyển câu chuyện sang những kế hoạch đi hát mới mẻ. Chị sẽ kết hợp cùng một võ sư người Việt dạy võ tráng sĩ đạo cho thanh niên Pháp thực hiện các chương trình nghệ thuật từ thiện để có thể giúp đỡ, chia sẻ được nhiều hơn cho những người kém may mắn, dù là ở Pháp, Bỉ hay Việt Nam. Chị nói giờ, chị đã “có đủ” cho cuộc sống của mình và chỉ muốn làm những chương trình nghệ thuật đẹp đúng nghĩa…
Nhóm Du ca gồm ca sĩ Trần Tiến, Trần Tài và Hồng Ngọc. Về Hồng Ngọc, nhạc sĩ Trần Tiến từng nói: "Mình nhặt được nàng từ một hiệu phở ngon nổi tiếng Giảng Võ. Ông cụ thân sinh nàng giới thiệu, nàng hát cho mình nghe và mình tự nhủ, đây là một nghệ sĩ".
Phong Vân
Các thao tác trên Tài liệu