Bạn đang ở: Trang chủ / Góc bạn bè / Sinh-hoạt / Nhạc Trịnh: có thể phá cách đến đâu ? / Âm nhạc Trịnh Công Sơn

Âm nhạc Trịnh Công Sơn

- Webmaster cập nhật lần cuối 21/08/2006 16:06
Bút ký Nguyễn Hữu Thái Hòa, tháng 9, năm 2005.

1. Lăng kính muôn màu !

Nhạc Trịnh – như "Kính Vạn Hoa" trong thời buổi kinh tế thị trường !

Thái Hòa
Thái Hòa trong ngày giỗ TCS tại Toulouse (2-4-2005)

Trong chuyến công tác ghé về Việt Nam trung tuần tháng tám vừa qua, tình cờ tôi được đọc một bài viết trên báo Thể Thao Ngày Nay nói về cuộc đua hát nhạc Trịnh chưa có hồi kết của các ca sĩ, trong đó có đề cập đến hai Album nhạc Trịnh Công Sơn của tôi trong năm qua. Vì sự trân trọng đối với cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và những trăn trở với gia tài âm nhạc của ông, tôi quyết định phải viết đôi điều về những cảm nhận rất riêng của mình và về chặn đường đồng hành cùng với nhạc Trịnh trong những năm vừa qua để chia sẻ cùng bạn đọc.

Đã từ lâu, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn luôn có một chỗ đứng riêng rất trang trọng trong tim của người yêu âm nhạc. Dù ở trong hay ngoài nước và với thái độ chính trị nào đi nữa thì những lời ca của ông rõ ràng đã chinh phục lòng người. Trước 1975, đã có thế hệ ca sĩ Hà Thanh, Khánh Ly, Lệ Thu,... Sau này ở hải ngoại là Khánh Hà, Tuấn Ngọc, Ngọc Lan,... Trong nước có Thanh Hải, Lan Ngọc, Cẩm Vân,... là những giọng ca đã ít nhiều thành danh từ nhạc Trịnh.

Đến thế hệ 7X, 8X của Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Trần Thu Hà hay gần đây như Quang Dũng, Phương Thanh, Đàm Vĩnh Hưng, .v.v.. Nhạc Trịnh quả thực đã biến đổi, quay cuồng muôn màu muôn vẻ như "Kính Vạn Hoa" trong thời kỳ quá độ của một nền văn hoá văn nghệ mang đậm hơi thở của nền kinh tế thị trường.

Cảm nhận về nhạc Trịnh thời nay cũng chia năm xẻ bảy theo nhiều xu hướng,. Những người nghe cũ chê trách ca sĩ ngày nay hát quá phản cảm, huyển hoặc và đập phá các giá trị nhân văn vốn có của nhạc Trịnh. Trong khi người chuộng cái mới lại cho rằng cần phải thay đổi vì cảm thụ âm nhạc thời nay đã khác (!). Nhiều cuộc tranh luận gay gắt trên báo chí và các diễn đàn về việc yêu, ghét nhạc Trịnh. Có rất nhiều bài viết, khen, chê, bình luận, nhận xét quá đà và có cả những sự ác ý, bài trừ lẫn nhau của các fan-clubs. Nhạc Trịnh trong thời gian gần đây bỗng trở thành tâm điểm của dư luận và cả của những chuyện thị phi.

Tôi còn nhớ rõ câu trả lời ý nhị của Cố NS Trịnh Công Sơn trên Báo Sóng Nhạc trong một cuộc phỏng vấn tại tư gia mà tôi được chứng kiến, lúc phóng viên hỏi ông cảm thấy thế nào khi nghe các ca sĩ trẻ ngày nay hát nhạc Trịnh : "...Có lẽ mỗi người đang hát theo cách hiểu riêng của họ. Đó cũng là điều thú vị khi nỗi lòng của một người được thể hiện qua những cảm nhận của nhiều người và điều đó càng làm cho âm nhạc của tôi thêm phong phú trong lòng công chúng. Đối với những ca sĩ trẻ thì thường phải giảng giải cho họ về nhiều điều, nhưng cũng chỉ có thể giải thích cho những người hiểu được mà thôi..."

Hành trình đi tìm "Chân-Thiện-Mỹ" trong nhạc Trịnh

Từ sau ngày ông mất, những cảm nhận trong tôi như cứ vỡ òa theo ngày tháng cùng những khám phá thật tuyệt vời về một con người - mà mới hôm qua thôi vì quá gần gũi, thân tình nên ta đã không kịp nhận ra cái vĩ đại của một chữ "Tâm" đầy nhân bản và cái tinh khiết của một chữ "Tình" xuyên suốt trong gia tài âm nhạc đồ sộ ông để lại cho đời.

Từ cái đêm tiễn đưa cuối cùng ở Sài Gòn, tôi ngồi hát bên linh cữu Ông cùng với Hoàng Công Luận, Nguyễn Thanh Huy trong khi ông giám đốc khu Du lịch Bình Quới – Cao Lập đang khóc hồn nhiên như trẻ thơ. Đến suốt bảy tuần lễ sau đó anh em cùng sát cánh bên nhau làm các đêm tưởng niệm ở Hội Quán Hội Ngộ, Bình Quới. Một sân chơi âm nhạc hồn nhiên, du ca kiểu Trịnh đã dần dần được hình thành giữa lòng đời sống văn hóa còn bề bộn của Sài Gòn. Riêng tôi tự hứa với lòng mình sẽ âm thầm dấn thân trên hành trình đi tìm "Chân-Thiện-Mỹ" cùng nhạc Trịnh. Không dám có tham vọng như ông Đặng Tiến ở Pháp đòi "giải mã" một thiên tài (!), chúng tôi chỉ mong chia sẻ những cảm nhận về âm nhạc Trịnh Công Sơn trong những khả năng giới hạn của mình cho công chúng đồng điệu đó đây.

Thật bất ngờ khi Album đầu tiên "Về nơi cuối trời" thực hiện cùng nhiều thế hệ đệm, làm hết sức tài tử, vội vã cho kịp 100 ngày tưởng nhớ ông lại được công chúng đón nhận và đã vượt biên giới đi xa đến không ngờ. Rồi cuộc sống phiêu bạt khắp Châu Âu những năm sau này của một kẻ "làm công quốc tế" như tôi đã vô tình hổ trợ rất nhiều cho việc liên kết, gặp gỡ biết bao bạn bè đồng điệu trong nhạc Trịnh : hội quán Hội Ngộ-Trịnh Công Sơn ở Bình Quới đã đi vào hoạt động bài bản, định kỳ hằng năm; một nhóm anh em tâm huyết của Đạo Trịnh lập ra Đồng Vọng, giữa những vườn cây trái ở Bình Dương; rồi những người yêu nhạc Trịnh Công Sơn làm chương trình tưởng niệm ở Đại học Phú Xuân, ở Huế, ở Hà Nội; vươn tay dài cả ra hải ngoại đến Hội văn hóa Trịnh Công Sơn ở Paris, Lyon, Toulouse, Cộng Hòa Pháp; nhóm Việtnamiti và Thư Viện Trịnh Công Sơn đầu tiên và các đêm tưởng niệm ở các TP Torino, Verona, Milano, Ý; có anh bạn Trịnh Công Long-Frank Gerke ở Đức; còn cả Hoàng Lan – Hoa Vàng Một Thuở ở Toronto, Canada; Hoàng Trúc Ly với website Sưu Tập-Trịnh Công Sơn ở Mỹ; chị Dao Ánh và nhóm Hướng Dương ở Cali, v.v... Những con người xa lạ từ khắp phương trời bỗng trở thành thân quen, thương quý nhau như "chị em xẻ thịt" chỉ sau vài lần hội ngộ.

Tất cả chúng tôi dường như đều có cùng khao khát tìm đến với nhạc Trịnh để được ru dỗ mình. Phải chăng vì những lời ca và giai điệu đầy tính nhân văn của Trịnh Công Sơn đã hàm chứa những ấp ũ từ lâu trong tâm hồn người Việt chúng ta mà qua bao đau khổ, mất mát vẫn chưa có dịp tỏ bày. Như một anh bạn ở Ý đã nói, có lẽ chính Trịnh Công Sơn cũng không thể ngờ rằng âm nhạc của ông lại trở thành một cơ duyên cho biết bao sự hội ngộ của anh em, bạn bè khắp nơi trên thế giới. Qua mỗi cộng đồng tôi đã được tiếp xúc, mỗi cá nhân yêu ghét nhạc Trịnh tôi đã từng gặp, quả thật đã có quá nhiều dư âm của sự chia rẽ, hận thù và đố kị hôm qua. Chúng tôi cũng đã ngỡ ngàng nhận ra rằng "con đường âm nhạc" của Trịnh Công Sơn sao mà nhiều gian truân, đau khổ, như thân phận của một nàng Kiều trong nghệ thuật. Nhưng đứng trên tất cả là sự chinh phục rất rõ ràng của Nhạc Trịnh trong lòng công chúng. Âm nhạc của Trịnh Công Sơn vẫn luôn là một đại diện tiêu biểu cho thân phận và tâm hồn Việt, dù rằng tên tuổi và tầm ảnh hưởng của ông đã từ lâu vượt ra ngoài biên giới một quốc gia.

2. Sự huy hoàng của cái Thật

Nghệ thuật sẽ đẹp hơn nhờ cái Thật trong nhạc Trịnh

Thái Hòa
Thái Hòa, Toulouse (2-4-2005)

Có lần tôi gặp nghệ sĩ Q.L. trong phòng thu âm, anh tâm sự cùng chúng tôi về những băn khoăn trước tình hình văn hóa văn nghệ hôm nay. Theo anh, đáng buồn nhất là thẩm mỹ âm nhạc của chúng ta ngày nay đã bị hỏng nặng. Hỏng từ thẩm mỹ của những giọng ca được đào tạo bài bản chính quy, đến những ca sĩ thị trường và cả thị hiếu nghe, nhìn của công chúng. Các giá trị thật, giả, hay, dở, trong nghệ thuật ca hát, biểu diễn chưa bao giờ mờ nhạt và lẫn lộn đến thế.

Quả thật, phần lớn khán giả trẻ ngày nay có lẽ đã quay lưng với kiểu hát cứng nhắc mở tròn khẩu hình theo các nguyên âm: o,e,a, thiếu mất sự ngân nga tình cảm của những âm ngậm thiết tha trong tiếng Việt. Khoa Thanh Nhạc chính quy ở Trường Nhạc vẫn giảng dạy theo học thuật opera của phương Tây vốn chỉ phù hợp cho kỷ thuật thanh nhạc trong các vở opera của âm nhạc bác học phương tây. Hay chỉ có thể dùng thể hiện các bài hành khúc, động viên trong thời chiến qua những lời ca “hô khẩu hiệu”. Sự phản ứng của công chúng xem trực tiếp với kết quả trao giải thưởng Sao Mai Điểm Hẹn - 2003 ở Tuần Châu, Hạ Long là một minh chứng. Chính tôi hôm đó xem truyền hình trực tiếp từ Cộng hòa Pháp trên đài VTV4 cũng đã thức trắng đêm vì trăn trở với Giải nhất, khi thí sinh đoạt giải hát giọng ồm ồm “...chúng ta là người thợ lò.ò.ò... tiến quân vào lò.ò.ò...”, phải chăng bản hùng ca một thời vang bóng của Hoàng Vân đã bị đặt sai thời đại bởi thứ thẩm mỹ nghệ thuật mang tính áp đặt của một số người mà sau đó chính ban tổ chức cuộc thi cũng cảm thấy bất an, khó xử trước công luận nên phải tuyên bố thay đổi thể thức thi trong các năm sau.

Ở một thái cực khác, các ca sĩ thị trường và bầu sô ngày nay đua nhau gây sốc, càng nhiều scandal càng đắt sô. Hát càng “quái” và càng nhiều tuyên bố phản cảm thì lại càng dễ gây chú ý để nỗi tiếng và để tăng giá các Album. Tất cả thi nhau làm mới nhưng thật ra là làm khác các giá trị âm nhạc mà đôi khi chính ca sĩ cũng không hề có ý định rõ ràng, cảm thấy bế tắc và lạc lối. Tất cả chỉ mong sao được tồn tại trong lòng khán thính giả. Nhưng tất cả rồi cũng vỡ tan như bong bóng dưới cơn mưa. Có những nhạc phẩm thời thượng từng đoạt nhiều giải thưởng trên các sóng đài, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn nghe lại đã thấy nhạt nhẽo vô cùng, thậm chí có bài còn bị phát hiện là sao chép của kẻ khác. Người nghe lúc đó mới ngơ ngẩn tự hỏi rằng : “thế mà sao cũng có thời đã làm mưa làm gió được nhỉ ?”

Viết ra những dòng này, tôi cũng đã trăn trở rất nhiều vì ngại sẽ bị cho là phiến diện, chỉ trích một chiều. Xưa nay, việc phê bình, chê trách hay thậm chí “đập phá” thì rất dễ, nhưng làm sao đưa ra được những giải pháp mang tính xây dựng và có thành ý hổ trợ lẫn nhau là điều mà ít ai làm được. Ở bài viết này tôi chỉ muốn những bạn ca sĩ trẻ nên suy nghĩ thật chín chắn trước khi quyết định đầu tư vào những dự án của riêng mình. Vì cái đẹp của nghệ thuật vẫn còn hiện hữu và cái thật của sự rung động sẽ luôn là thước đo cho mọi thành công trong nghệ thuật. Thực tế tồn tại nhiều năm trong lòng công chúng của nhạc Trịnh là một minh chứng. Ngày ông ra đi, nhiều quan chức đã tự hỏi vì sao một người nhạc sĩ không có quyền lực và danh phận phù phiếm trong xã hội lại được công chúng tôn vinh đến như thế ?

Một thực tế khác là những ca sĩ hàng “sao” của thời nay dù đã cố gắng thật nhiều để tạo dựng phong cách và có được những chổ đứng riêng trong lòng công chúng. Nhưng kể cả những người thành công nhất – khi chạm vào nhạc Trịnh đều đã gặp không ít khó khăn. Có lẽ vì dấu ấn trong âm nhạc Trịnh Công Sơn và hệ tư tưởng xuyên suốt của chữ Tình quá lớn trong ca khúc của Ông đã lấn át hoàn toàn toan tính của những cái Tôi đặt sai chổ, những cường điệu, diễn xuất không đúng nơi. Tháng Ba năm nay khi được hát cùng với nữ ca sĩ Khánh Ly ở Thụy Sĩ trong một chương trình từ thiện quyên góp cho trẻ mồ côi tại Việt Nam, tôi thật ngở ngàng về cái đẹp đơn giản và chân thật của một giọng ca huyền thoại đã qua tuổi 60. Khi bị gò ép vào những bài tình ca của ban tổ chức, Cô đã hát không thoải mái lắm. Chỉ đến khi Cô tâm sự cùng khán giả về Ca Khúc Da Vàng và được hát thật tự do theo những yêu cầu đầy ngẫu hứng, hết bài này sang bài khác, Khánh Ly vẫn “bay” cùng nhạc Trịnh và thật sự không có đối thủ. Cái vô chiêu của một giọng ca không học thuật đã đứng trên cái hữu chiêu của mọi toan tính, huyển hoặc đời thường.

Đêm đó tôi đã được chứng kiến Khánh Ly giao thoa cùng Nhạc Trịnh. Cái Tình trong âm nhạc Trịnh Công Sơn đã thăng hoa thành cái Đạo qua sự chinh phục của một chữ Tâm từ một tri âm. Tôi ngồi hát bè và đệm đàn cho Cô Mai mà như nghe văng vẳng đâu đây lời nhắn nhũ hôm nào : “...Cái đẹp của nghệ thuật dường như chỉ là sự huy hoàng của cái Thật...”

Ca sĩ ngày nay hát nhạc Trịnh – cuộc đua không cân sức !

“Không cân sức” trước hết từ giá trị quá lớn của nhạc Trịnh, của lòng nhân bản ở một con người từng trãi qua bao thương đau mất mát suốt cả chiều dài cuộc chiến khốc liệt; Từ đời sống riêng tư nhiều trắc trở cùng những vết hằn trong tâm khảm của một tâm hồn quá tinh tế trước những biến cố gia đình, bạn bè và xã hội; Từ cảm thụ âm nhạc và thẩm mỹ nghệ thuật của một thiên tài qua nhiều trãi nghiệm trong đời sống – đối với sự “vô tư” đến mức vô tình của những thế hệ ca sĩ, nhạc sĩ lớp hậu sinh vốn trưởng thành trong một thời kỳ quá độ, hỗn loạn của văn hóa, văn nghệ, của nguy cơ đánh mất bản sắc. Ngày nay người ta làm nghệ thuật theo phong trào, vì mưu sinh mà chạy theo thời thế, thiếu định hướng dài hơi và ít những hoài bảo lớn. Trong rất nhiều đêm đại nhạc hội chủ đề Trịnh Công Sơn được tổ chức rất quy mô vào cuối những năm 90, người nghe vẫn ngạc nhiên nhận ra rằng giọng hát nhạc Trịnh thấm thía nhất của thời nay sao vẫn chính là người tác giả hom hem, mỏng manh ấy.

Tôi rất thông cảm và chia sẽ cho những khó khăn của các nghệ sĩ thời nay. Đời sống văn hóa và âm nhạc phát triển rối loạn như hiện nay đã ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động nghệ thuật của họ. Chỉ có ca sĩ ở Việt Nam mới phải chạy 5,7 sô mỗi đêm, hát mà như phải mài mòn cảm xúc đến độ bị khán giả nghi ngờ “người hát hay máy hát ?”. Không có thẩm mỹ nghệ thuật trong xả hội nào lại chấp nhận những ca sĩ thị trường đi lên chỉ nhờ công nghệ lăng xê và các chiêu gây sốc. Và cũng thật ngạc nhiên khi biết rằng trong dàn ca sĩ hàng “sao” có rất nhiều người mù nhạc lý và cả những nhạc sĩ tên tuổi đôi khi lại vô cùng thành thạo về công nghệ làm nhạc “nhái” ?

Mâu thuẫn đến đỉnh điểm là tuyên bố của một nghệ sĩ có thâm niên ở Nhạc Viện TP Hồ Chí Minh khi trả lời cùng báo chí: “Xin hãy đừng gọi tôi là ca sĩ, ngày nay tôi thật sự quá xấu hổ vì bị gọi là ca sĩ !” Rồi dạo sau này, người ta thấy anh xuất hiện trong vai MC của đài Truyền hình nhiều hơn là ca hát.

Trong tình hình làm nghệ thuật như hiện tại, tôi đã chọn cách ẩn mình làm “kẽ ngoại đạo” trong nhạc Trịnh. Để xin giữ không làm chai mòn những rung động riêng tư của lòng mình đối với người Nhạc sĩ thần tượng mà tôi yêu quý. Mong giữ cho âm nhạc của Trịnh Công Sơn còn có một góc nhỏ ngây ngô, chân thật, để hát như “áo vải chân trần” trong lòng những người nghe đồng điệu.

Liệu có tồn tại cái “Tôi” trong việc “biểu diễn” nhạc Trịnh ?

Đây là một câu hỏi thú vị và cũng là điều tôi muốn chia sẻ vì đã có rất nhiều người hỏi tôi tương tự như vậy. Trước hết tôi không hề có quan niệm “biểu diễn” nhạc Trịnh mà khi hát, tôi luôn hát với một tấm lòng hết sức thanh thản, hạnh phúc được ru dỗ chính mình trong giai điệu và ca từ của Trịnh Công Sơn. Đối với những người thường phải sống xa xứ sở - nhạc Trịnh luôn là một chỗ dựa tinh thần vô cùng quý báu, với riêng tôi còn là chọn lựa cho lòng yêu nước và tâm huyết về nguồn. Do vậy, khi ta thể hiện nhạc Trịnh bằng cái tình và cái tâm ngay thật thì chắc hẳn sẽ dễ đi vào lòng người như cái cách mà cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã sống và đối đãi với đời.

Khi hát nhạc Trịnh, tôi cho rằng không cần phải vay mượn hay lạm dụng đến kỹ thuật thanh nhạc. Cũng không nên cố gắng diễn đạt thêm cái “Tôi” và dấu ấn riêng nào nữa, vì tự thân ca từ và sự tinh tế trong giai điệu của Trịnh Công Sơn đã đến với người nghe thật quá dễ dàng. Những cường điệu nếu có sẽ bị phản tác dụng và có khi sẽ làm "cơ bắp hóa" cái tinh hoa vốn rất mảnh mai và tế nhị của Trịnh Công Sơn. Có thể vì vậy mà đối với một số người nghe, cách chơi nhạc Trịnh kiểu tài tử của chúng tôi rất khác với album của các ca sĩ chuyên nghiệp, đúng như cái tên ngộ nghĩnh mà chính cố NS Trịnh Công Sơn đã đặt cho chúng tôi: “nhóm amateur”. Dĩ nhiên thị hiếu và cảm thụ âm nhạc chuyên nghiệp cũng là những vấn đề khác phải bàn thêm, nhưng quan trọng hơn cả là chúng tôi không hề bị ảnh hưởng của thị trường và rất tin vào sự thành công của những rung động chân thật. Vì sẽ không một sự huyền hoặc và toan tính nào có thể thay thế được cảm xúc thật của trái tim, của chính lòng mình, khi đêm về, nằm xuống, chỉ còn có ta đối diện với chính ta...

Ngoài ra, nếu xét về sự đầu tư , thì giờ luyện tập, chuẩn bị và cả những trăn trở, chiêm nghiệm cùng với âm nhạc Trịnh Công Sơn của một “kẻ ngoại đạo” như Thái Hòa với các ca sĩ, nhạc sĩ chuyên nghiệp – những người luôn chú trọng vào việc biểu diễn vì nhu cầu tồn tại trong thị trường âm nhạc hiện hành, nơi mà họ phải chịu rất nhiều áp lực nghề nghiệp trong luồng – thì dù ở khía cạnh nào, sự so sánh cũng sẽ rất khập khiễng, có vẻ không công bằng cho tôi và “không cân sức” cả cho chính họ.

Thái Hòa
tháng 9, năm 2005.

Các thao tác trên Tài liệu