Bạn đang ở: Trang chủ / Góc bạn bè / Sinh-hoạt / Nhạc Trịnh: có thể phá cách đến đâu ? / Nhạc Trịnh Công Sơn: Có cần những cuộc cách tân như thế ?

Nhạc Trịnh Công Sơn: Có cần những cuộc cách tân như thế ?

- Webmaster cập nhật lần cuối 21/08/2006 16:06
baocongantphcm.com.vn, Thứ Ba, 27/09/2005 .

Âm nhạc Trịnh Công Sơn gần đây đang có hiện tượng trở thành thời trang khi nhiều ca sĩ liên tục phát hành album để chứng tỏ mình cũng... sang trọng, kể cả những live show hoành tráng mang tham vọng đưa nhạc Trịnh lên một tầm cao mới.

Ca sĩ Anh Bằng
Ca sĩ Anh Bằng một nhân vật không biết
gọi là gì

1. Lấy ca từ trong một ca khúc nổi tiếng của Trịnh Công Sơn (T.C.S), hai Đêm thần thoại cuối tuần qua (23 và 24-10-2005) tại Nhà hát Hòa Bình do Công ty Phương Nam tổ chức đã khép lại. Hầu như các kênh thông tin đều dè dặt nhìn nhận về sự thành công của chương trình, khi nghe đến những con số treo lơ lửng: hơn 1 tỉ đồng đầu tư, giá ngất ngưởng 200-400 ngàn/vé, 3.000USD mời Trần Thu Hà bay từ Mỹ về hát. Hoặc tên tuổi của ê-kíp dàn dựng: Phạm Hoàng Nam (đạo diễn), Quốc Bảo (viết kịch bản), NS. Quốc Bảo, Võ Thiện Thanh (hòa âm)...

Được giới thiệu là một cuộc trình diễn nhạc T.C.S bằng lối tiếp cận hiện đại kết hợp thanh xướng kịch với các thủ pháp ánh sáng và sân khấu. Hơn 20 ca khúc của T.C.S đã hát trên phông nền trắng, ở đó nhiều hình ảnh đẹp hiện lên và liên tục thay đổi bằng máy chiếu: khi là ngôi nhà cổ, lúc là những que diêm cháy, những chiếc lá vàng - đỏ rơi rơi và bên khung cửa có người phụ nữ ngồi chơi đàn harp (hạc cầm)... Với dàn nhạc giao hưởng, dàn hợp xướng trong trang phục nghi lễ nhà thờ, những thiếu nữ hóa thân thành bướm trong các vũ khúc ballet... và ca sĩ Quang Dũng, Hồng Nhung, Trần Thu Hà, Hồ Ngọc Hà, Hồ Quỳnh Hương, Anh Bằng, Đức Tuấn, nhóm 5 Dòng Kẻ, AC&M... đều dốc sức mang đến cho khán giả một góc nhìn khác về âm nhạc T.C.S. Nhưng, chính trong không gian đẹp thần thoại đó, ca sĩ và cả âm nhạc của T.C.S dường như quá đỗi xa lạ - xa lạ như chính cây đàn harp đối với người Việt vậy! Cũng trong thứ cảm giác ấy và những áp lực hát nhạc của một tên tuổi lừng lẫy như thế, nên hầu như các ca sĩ đã bị... khớp và hát rất dở. Một Hồ Quỳnh Hương điệu đàng và lả lướt thái quá trong bài Quỳnh hương khiến cô mất tập trung, hát trật nhịp. Hồ Ngọc Hà ăn vận diêm dúa, gào sướt mướt những ca khúc không có gì là bi lụy cả (Hoa vàng mấy độ, Một cõi đi về), dường như cô không cảm được tinh thần của nhạc Trịnh. Nhóm 5 Dòng Kẻ và AC&M phối bè tốt, tiếc là lối diễn xuất đầy kịch tính khiến các ca khúc (Xin cho tôi, Đêm) nặng về phần nhìn, giảm đi sự biểu cảm cần có. Đây gần như là những “tân binh” hát nhạc Trịnh, nên có tệ thì coi như... thử nghiệm.

Cây đinh của chương trình là Trần Thu Hà, chị đằm thắm, đẹp và nữ tính hơn so với hồi còn ở VN. Sự lột xác đó khiến nhiều người hy vọng một thần tượng mới hát nhạc Trịnh, nhất là sự o bế và kỳ vọng lộ liễu của ban tổ chức khi dành cho chị 6 ca khúc. Tuy nhiên, không hiểu cớ gì mà Trần Thu Hà hát sai ca từ những bài vốn đã rất quen thuộc (Lời thiên thu gọi, Nắng thủy tinh), gây phản cảm cho không ít fan nhạc Trịnh. Do đó, khán giả đã dành trọn cảm tình khi Quang Dũng và Hồng Nhung rất đỗi giản dị trình bày: Tình xa, Bên đời hiu quạnh, Này em có nhớ, Thuở Bống là người. Đặc biệt, giọng nam Đức Tuấn xuất thần với Tôi ru em ngủ và Chiếc lá thu phai.

Một cuộc biểu diễn âm nhạc và thị giác, nâng nhạc Trịnh lên một tầm cao mới - như cách những người dàn dựng chủ trương, trở nên kệch cỡm. Vì những gì gọi là sân khấu ảo, trình diễn theo kiểu thanh xướng kịch, có nhân vật, có tâm trạng, múa ballet, hát opera, dàn đồng ca nhà thờ... là gout thưởng ngoạn của người châu Âu, càng lạ lẫm với không gian âm nhạc của T.C.S. Thậm chí, hình thức dàn dựng được gọi là sáng tạo trong Đêm thần thoại đều được học hỏi từ ý tưởng của chương trình nhạc kịch hiện đại khá đình đám tại Pháp, kỷ niệm 300 năm xây dựng Nhà thờ Đức Bà Paris - một địa điểm lừng danh và ấn tượng hơn nữa trong tiểu thuyết của đại văn hào Victor Hugo với nhân vật “Thằng gù” đầy tính nhân bản. Không kệch cỡm sao được khi có những nhân vật chẳng biết gọi là gì, như ca sĩ Anh Bằng thỉnh thoảng lại xuất hiện, mang mặt nạ cách điệu, y phục như hiệp sĩ khoác áo choàng đen, miệng hát opera “Hohooooo...” rồi biến mất, khiến khán phòng vỡ òa vì cười. NS Trịnh Công Sơn còn sống, ắt cũng... bó tay!

2. Gần đây, một số ca sĩ phát hành album nhạc Trịnh: Đàm Vĩnh Hưng, Phương Thanh, Thanh Lam... như thể ca khúc của T.C.S đang trở thành thứ nhạc thời thượng. Có ca sĩ hát Biển nhớ mà người nghe xong chỉ muốn xô họ xuống... biển vì không biết nhớ kiểu gì mà gào rú khủng khiếp(!). Một trong những album gây chú ý vì sự không giống ai nhất hiện thuộc về Này em có nhớ của Thanh Lam (Viết Tân sản xuất - 2005). Với 7 ca khúc quen thuộc: Em hãy ngủ đi, Một cõi đi về, Này em có nhớ, Biển nhớ, Em còn nhớ hay em đã quên, Phôi pha, Lặng lẽ nơi này... qua phần phối khí của Trần Mạnh Hùng và Lê Minh Sơn. Có nhiều bài phê bình âm nhạc xung quanh album này, nhưng ồn ào nhất là có nhà bình luận đã so sánh Thanh Lam một cách dí dỏm với “Kim Mao Sư Vương” Tạ Tốn - một nhân vật trong Ỷ thiên Đồ Long Ký (Kim Dung) có thần lực... hống khiến giang hồ ù tai, tắt thở. Còn Trần Mạnh Hùng được xem như “Lục Chỉ Cầm Ma” có tài biến hóa các nhạc cụ piano, guitar, đàn đáy, đàn tranh, sáo trúc, violon, viola, violoncelle... thành các tiếng binh khí nghe loảng xoảng. Và, quan trọng là hai bên đấu với nhau bất phân thắng bại. Nhạc đi đằng nhạc, lời đi đằng lời!

Người Việt Nam, gần như ai cũng biết nhạc T.C.S, hoặc ít hoặc nhiều, nhưng đều công nhận rằng: bản chất âm nhạc của ông là đơn giản. Ca khúc T.C.S có thể hát cho vài người nghe, cho một nhóm nghe, hay hát trước quảng đại quần chúng. Chính vì đại chúng, cho nên quá sang trọng hay khác người, đều không phải là Trịnh Công Sơn!

Bài, ảnh: LÊ NGUYỄN

Các thao tác trên Tài liệu