Bạn đang ở: Trang chủ / Góc bạn bè / Sinh-hoạt / Nhạc Trịnh: có thể phá cách đến đâu ? / Phá cách nhạc Trịnh : Ý kiến bạn đọc 1

Phá cách nhạc Trịnh : Ý kiến bạn đọc 1

- Webmaster cập nhật lần cuối 21/08/2006 16:06
tuoitre.com.vn, Thứ Năm, 29/09/2005

Phá cách phải bằng cả tâm hồn lắng nghe và cảm nhận

Từ bé tôi đã được nghe nhạc Trịnh qua các tiếng hát như Lệ Thu, Lê Uyên và kể cả Thái Thanh, nhiều bài hát phải nói nếu so sánh với Khánh Ly thì Hạ trắng, Như cánh vạc bay, Biển nhớ của Lệ Thu có phần nhỉnh hơn, Ca dao mẹ do Thái Thanh trình bày với tôi quyến rũ, tha thiết hơn cũng những ca khúc ấy do Khánh Ly trình bày.

Nhưng một điều chắc chắn, nhạc Trịnh và giọng hát Khánh Ly sinh ra là cho nhau. Về điều này nhiều người đã nói quá nhiều, xin phép không lặp lại. Những ca sĩ sau này làm mới lại nhạc Trịnh là điều tôi hoàn toàn hoan nghênh vì tôi nghĩ, giọng hát Khánh Ly dù thế nào cũng sẽ giảm sút nhiều với thời gian.

Do đó, tôi mừng khi thấy có một Hồng Nhung hát nhạc Trịnh rất hồn nhiên, tự tại trong album Bống bồng ơi, hay Đóa hoa vô thường, Ru tình... thấy có Quang Dũng hát cũng rất mượt nhiều bài hát như Đêm thấy ta là thác đổ... hay nhiều ca sĩ khác như Cẩm Vân, Mỹ Hạnh, Mỹ Linh, Trần Thu Hà... Tài năng và nỗ lực của họ sẽ được thời gian xem xét bên cạnh những tên tuổi Khánh Ly, Lệ Thu... Nói dông dài để thấy tôi không hề, và không muốn ác cảm với bất cứ ca sĩ mới nào hát nhạc Trịnh, bản thân chính tác giả cũng đã từng nói ông không phản đối ca sĩ nào làm mới nhạc ông, chỉ cần đừng hát sai lời thôi.

Về ca sĩ Thanh Lam, tôi đã từng say mê khi thấy cô làm mới nhạc Trịnh như mới trong Môi hồng đào, Ướt mi, Phôi pha hay trong album Ru đời đi nhé, rất mới, rất Thanh Lam ở những chỗ nhấn nhá, luyến láy nhưng vẫn rất Trịnh.

Nhưng đến Ru mãi ngàn năm, tôi thật sự THẤT VỌNG vì album này, được ekip Lê Minh Sơn cho là làm trong... 7 ngày. Chỉ bấy nhiêu đã thấy sự tùy tiện, hay nói khó nghe hơn là cẩu thả của cả một ekip. Và Thanh Lam, cô hát như dày vò, "hành hạ" câu chữ. Rồi dường như thấy chưa đủ độ "nóng", 3 tháng sau cô và cộng sự cho ra album Này em có nhớ. Và ngay bài hát chủ đề, Này em có nhớ, cô hát cứ chuyển hết Em thành Anh, Anh thành Em, như một tác giả đã nhận xét, nghe hết sức "bịnh hoạn".

Rồi Một cõi đi về với đủ thứ nhạc khí, giọng hát dày vò, bứt rứt. Em còn nhớ hay em đã quên thì cô mặc nhiên cho mình cái quyền sửa lời bài hát bằng câu hát: Có con đường chở mưa nắng đi...

Bấy nhiêu cũng cho phép tôi có quyền nghi ngờ cái "thiện chí" làm mới nhạc Trịnh của ca sĩ Thanh Lam.

TUNG ANH

Những người yêu thích nhạc Trịnh sẽ là những người đánh giá đúng nhất

Nếu có một ai đó hỏi tôi rằng ai hát nhạc Trịnh hay nhất thì tôi sẽ không ngần ngại mà trả lời rằng chính Trịnh Công Sơn hát hay nhất và người thứ hai là Khánh Ly. Những bản nhạc Trịnh dường như là những lời tự tình được khoác lên mình với cái áo bên ngoài là những nốt nhạc. Những lời tự tình đó có lẽ những người hiểu rõ nó nhất, nghĩ ngợi về nó nhiều nhất và yêu nó nhất sẽ là người hát hay nhất. Bạn đã từng nghe bài Hạ trắng hay Một cõi đi về. Vậy bạn cảm thấy nó hay từ khi nào? Từ lần nghe đầu tiên hay là lần đầu nghe thấy bình thường như những bản nhạc khác, nghe lần thứ hai thấy nó hay hơn, lần thứ ba dường như nó thấm vào lòng rồi lần thứ tư, lần thứ năm... Nhạc Trịnh trở thành một người bạn thân lúc nào không biết.

Mọi người thích nghe Khánh Ly hát nhạc Trịnh bởi vì cô thổi được cái hồn vào nhạc Trịnh. Bạn chắc hiếm khi thấy Khánh Ly hát với những diễn viên múa minh họa. Những bài hát Trịnh được thể hiện qua giọng hát của Khánh Ly có lẽ cũng chẳng cần sân khấu. Cô bước ra và cất tiếng hát của mình, một giọng hát trời cho, thật giản dị như những ca từ của Trịnh nhưng lại thấm đẫm lòng người. Cô chẳng cần phải phô diễn, chẳng cần phải “gào thét” thế nhưng những từ tự tình của Trịnh Công Sơn lại có một sức “gào thét” ghê gớm từ chính giọng hát đó. Ai đã từng nghe Cát bụi lại không thấy được thân phận con người, ai đã từng hát Nối vòng tay lớn mà không cảm thấy yêu quê hương hơn.

Trịnh Công Sơn viết nhạc để mọi người được hát và được thưởng thức. Có lẽ ông chưa bao giờ nghĩ rằng nhạc của mình chỉ dành riêng cho Khánh Ly hát mặc dù Khánh Ly hát nhạc Trịnh rất hay, rất Trịnh Công Sơn.

Bởi thế nếu còn sống và nghe được Thanh Lam hát nhạc Trịnh có lẽ ông cũng chỉ mỉm cười và nói: “Kệ”. Chắc hẳn ông nghĩ rằng, cái đẹp cái hay sẽ luôn tồn tại vĩnh cửu trên cõi đời này. Những người yêu thích nhạc Trịnh sẽ là những người đánh giá đúng nhất và chọn lựa những gì mà họ cho là thích hợp với nhạc Trịnh.

Có một điều nên nói với những ca sĩ trẻ là: “Nếu yêu nhạc Trịnh xin hãy hát lên. Còn nếu không yêu nhạc Trịnh thì thôi xin đừng. Những kiểu “phá cách” nhạc Trịnh nhưng không xuất phát từ tấm lòng luôn làm chói tai người nghe nhạc”.

DUY LINH
 

Đừng đánh cắp những phút giây sống thật của người sáng tạo

Tôi được biết nhạc Trịnh từ thuở còn rất bé (vì cha mẹ tôi vốn rất thích nhạc Trịnh với giọng ca của Khánh Ly). Tôi không hiểu có phải vì vậy mà trong tiềm thức, tôi chỉ quen cảm nhận những giai điệu ấy một cách "cổ điển". Tôi tin rằng mỗi khi nhạc sĩ bắt tay vào sáng tác thì cũng là lúc họ sống thật với bản thân mình nhất. Mỗi ca từ, mỗi giai điệu cũng được sống như vậy! Gần đây khi nghe Hồng Nhung, Đàm Vĩnh Hưng thể hiện những ca khúc Trịnh với cách rất "xưa", thật sự tôi như chìm trong mỗi từ của bài hát.

Nhạc Trịnh vốn chứa trong nó những điều bí ẩn, những câu hỏi thiết tha với đời và cả những quan niệm nhân sinh. Vì vậy khi nghe những gì vốn dĩ thuộc về mỗi ca khúc, người nghe như thấy giữa đời những câu hỏi, nghe thấy trong đó niềm thiết tha khao khát - đó chính là những gì "rất Trịnh".

Mỗi ca sĩ khi chọn bài hát đâu chỉ vì nó "thời thượng", thu hút khán giả mà còn phải là sự đồng cảm, "lắng nghe" những gì mà người nhạc sĩ gửi gắm trong nó, và cảm nhận bài hát theo cách riêng của mình.

Vì vậy xin hãy hát bằng những gì mà mình thật sự cảm nhận được chứ đừng là vì chạy theo phong trào phá cách. Nếu không vô hình trung chúng ta đang đánh cắp những phút giây sống thật của người tạo nên tác phẩm và cái hồn vốn có của tác phẩm.

PHẠM THỊ PHƯƠNG NGUYÊN

Ca sĩ nên thể hiện theo phong cách truyền thống

Tôi cũng như các bạn đồng nghiệp khác trong cơ quan tôi thật sự rất bực mình khi nghe bài hát Một cõi đi về do Tuổi Trẻ Oline đưa lên mạng, mà người trình bày chính là ca sĩ Thanh Lam. Chúng tôi không thể chấp nhận một cách thể hiện "quá sức tưởng tượng" như thế này. Những anh bạn đồng nghiệp của tôi đã tức giận và yêu cầu tôi tắt ngay khi nghe đến câu thứ 3, thứ 4 gì đó. Để cho nhạc Trịnh được mọi người mãi mãi yêu mến, theo tôi, các ca sĩ nên thể hiện theo phong cách truyền thống là tốt nhất, dù có "nhàm" nhưng nghe vẫn còn hay hơn rất nhiều so với cách thể hiện mới này. Những điều tôi viết ra đây có lẽ hơi nặng lời nhưng quả thật đây là những suy nghĩ rất chân tình, mong rằng các ca sĩ sẽ hiểu cho.

ĐỨC QUANG

Hãy tôn trọng phong cách tác giả, tác phẩm

Nhạc Trịnh quá sâu lắng, thánh thiện, chỉ cần tiếng đàn ghi ta thùng cất lên cùng giai điệu không cầu kỳ, chải chuốt là người nghe cảm nhận được Trịnh. Trịnh là Trịnh, nhạc Trịnh là nhạc Trịnh, không thể lẫn vào đâu được. Ca sĩ đừng vì muốn khẳng định mình mà áp đặt phong cách biểu diễn "hoành tráng" của mình lên cái hồn và cảm xúc ra đời ca khúc của nhạc sĩ. Hãy tôn trọng phong cách Trịnh Công Sơn, tôn trọng phong cách nhạc Trịnh Công Sơn.

DƯƠNG NGUYÊN VŨ

Các thao tác trên Tài liệu