Phá cách nhạc Trịnh : Ý kiến bạn đọc 2
trình Trịnh Công Sơn -
đêm thần thoại - Ảnh: T.T.D.
Phải lắng lòng khi nghe nhạc Trịnh
Mỗi bài nhạc của Trịnh là một bài thơ. Người ta có thể ngâm thơ theo lối Bình Trị Thiên, Tao đàn hay sa mạc một cách dìu dặt, trầm bổng chứ không ai ngâm thơ theo phong cách rock, hip hop... bao giờ!
Hát nhạc Trịnh Công Sơn cũng vậy, phải đúng với phong cách nhạc Trịnh, mà theo tôi, đệm tiếng guitare thùng là thích hợp nhất. Cũng như đệm cho ngâm thơ phải dùng đàn tranh, sáo trúc...
Nghe nhạc Trịnh Công Sơn cũng như nghe những làn điệu dân ca quen thuộc, nó đã thấm sâu vào da vào thịt, tùy theo tâm trạng mình mà vui buồn giận lẫy... nên không có sự nhàm chán. Nghe nhạc Trịnh không chỉ lắng tai mà còn phải lắng lòng mới cảm nhận được hết vẻ đẹp của nhạc Trịnh.
Càng nghe càng thích, càng nghe càng thấy phảng phất tâm trạng của mình trong đó. Vậy thì cớ sao lại đang tâm giết đi linh hồn của nhạc Trịnh theo kiểu phá cách phản cảm?..
Khi Lam “mạnh tay” với nhạc Trịnh
Thanh Lam sinh ra không phải để hát nhạc Trịnh. Nhưng cô yêu dòng nhạc Trịnh, cô đã bắt gặp mình trong ấy. Can đảm chịu búa rìu dư luận để làm đến ba album nhạc Trịnh đã minh chứng cho tất cả. Có lẽ Lam cũng hiểu cái mình gặp trong nhạc Trịnh chẳng phải là cái đẹp mà đa số công chúng xưng tụng khi nhắc đến ông!
Trở lại với album Này em có nhớ lần này, Lam đã hát theo cách nhấn nhá thấm đẫm chất của mình. Từ Biển nhớ đến Lặng lẽ nơi này, Lam đã hát khá tự nhiên, lộ cái mãnh liệt, cái hoang sơ của một người đang yêu theo kiểu yêu là yêu thế thôi. Cũng chính vì thế hơn 2/3 bài hát trong album này toàn ca ngợi tình yêu. Nếu người nghe quên đi dấu ấn Trịnh trong từng bài hát này thì Lam đã thành công. Hát rất hay và rất Thanh Lam.
Thế nhưng đến Một cõi đi về thì cô đã quá “mạnh tay” với nhạc Trịnh, ngay cả những người mến mộ Lam cũng thở dài khi nghe. Và người nghe cảm giác cõi đi về ấy giống như chốn thiên thai đang xao động cực cùng vì tiếng hát rền rĩ của Lam khuấy động.
Thôi, dẫu sao thì đây cũng là cuộc phiêu linh cuối cùng của Lam với nhạc Trịnh nên cô muốn làm tất cả. Cô muốn nói lần cuối cho mọi người nghe cách mình yêu nhạc Trịnh Công Sơn dẫu biết rằng nó là một cách yêu bị số đông quay lưng...
PHẠM THÁI THANH
Chấp nhận sáng tạo, nhưng...
Tôi chấp nhận sự sáng tạo, chấp nhận làm mới nhưng đừng làm mất chất nhạc Trịnh. Vừa rồi tôi có đi xem chương trình "Trịnh Công Sơn - Đêm thần thoại" tại nhà hát Hòa Bình, thú thật tôi không còn nhận ra nhạc Trịnh đâu nữa, trừ một vài bài.
Theo tôi, nhạc Trịnh sang nhưng phải giản dị như chính con người nhạc sĩ vậy, đừng quá màu mè và cầu kỳ, bởi thường người ta đến với nhạc Trịnh là để nghe, để hòa mình vào không khí nhạc Trịnh chứ không phải chỉ để xem.
CAO LẬP (giám đốc làng du lịch Bình Quới, TP.HCM) (H.S. ghi)
Xin hãy thận trọng!
Không thể phủ nhận đó là một giọng ca đầy cá tính, kỹ thuật điêu luyện và thừa sức tung hứng để làm chủ bài hát nhưng dường như giọng ca Thanh Lam sinh ra không dành để hát nhạc Trịnh Công Sơn.
Tôi còn nhớ có một lần nghe cô hát Mưa hồng, nhắm mắt lại để cảm nhận và thưởng thức, tưởng tượng như một trận bão táp đang đổ về thành phố trong đêm hè, còn đâu nữa “trời ươm nắng cho mây hồng, mây qua mau em nghiêng sầu” gợi nhớ rất nhiều về những cơn mưa ở Huế - mong manh và huyền hoặc.
Sáng tạo là điều bắt buộc của người nghệ sĩ, nhưng xin những nghệ sĩ hãy thận trọng và cần đặt mình vào đúng vị trí, đừng chất lên đôi vai nhạc Trịnh một tảng đá khi mà nhạc Trịnh là “vai em gầy guộc nhỏ như cánh vạc về chốn xa xôi”...
NGUYEN PHU DUC
Các thao tác trên Tài liệu