Bạn đang ở: Trang chủ / Góc bạn bè / Sinh-hoạt / Nhạc Trịnh: có thể phá cách đến đâu ? / Phá cách nhạc Trịnh : Ý kiến bạn đọc 4

Phá cách nhạc Trịnh : Ý kiến bạn đọc 4

- Webmaster cập nhật lần cuối 21/08/2006 16:06
tuoitre.com.vn, Thứ Bảy, 01/10/2005
Ca sĩ Thanh Lam - Ảnh: T.T.D.
Ca sĩ Thanh Lam - Ảnh: T.T.D.

Cần cái nhìn thoáng hơn về việc thưởng thức và trình diễn âm nhạc

Tôi đã nghe qua 2 album nhạc Trịnh của ca sĩ Thanh Lam. Quả thật ban đầu tôi cũng hơi ngạc nhiên vì cách hát của chị rất khác so với những gì chúng ta thường nghĩ và chờ đợi ở mhững bài nhạc Trịnh, nhưng tôi lại càng ngạc nhiên hơn vì cái cách mà nhiều người phản ứng đối với việc này.

Năm nay tôi 20 tuổi, là sinh viên Đại học. Mặc dù không sành nghe nhạc lắm và cũng chưa đủ khả năng để cảm thụ nhạc Trịnh một cách sâu sắc như nhiều người sành nghe, tôi vẫn nghĩ rằng có lẽ sẽ có một số người bắt gặp ý kiến sau của tôi không khác mấy so với ý kiến của chính họ.

Ai cũng biết nghệ thuật rất cần sự sáng tạo. Sự sáng tạo trong âm nhạc cũng vậy. Thế nhưng, không phải sự sáng tạo nào cũng được người ta ủng hộ ngay từ đầu, mà ở đây rõ ràng nhất là chuyện nhiều người phản đối ca sĩ Thanh Lam với cái cách hát nhạc Trịnh kiểu mới của chị.

Ở đây tôi xin nhấn mạnh rằng chúng ta cần phân biệt giữa cách làm ăn khá chụp giựt, theo thời của một số ca sĩ trẻ theo kiểu đến kì thì ra album, album sẽ gồm đôi ba bài hát mới, một vài bài nhạc Trịnh và một vài bài nhạc ngoại... với lao động nghệ thuật nghiêm túc.

Từ trước đến nay, chúng ta vẫn nghĩ nhạc Trịnh là "một giáo lý thiêng liêng" (trích nguyên văn từ một bài viết trên diễn đàn Tuổi Trẻ Online) nên vô hình trung cứ muốn mãi nghe cách thể hiện dịu dàng, đằm thắm... Bằng cách này, tôi nghĩ, chúng ta đang tự mình dựng nên những hàng rào trong việc thưởng thức và biểu diễn nhạc Trịnh (và cũng là nhiều loại nhạc khác) và vì thế chúng ta khó lòng mà mở rộng ra đến cái mới lạ.

Thử hỏi, nếu Thanh Lam chịu chấp nhận ép mình thưởng thức và trình diễn nhạc Trịnh như những người khác mong muốn, rồi ra một vài album thật ngọt thì khi đó "dòng chảy" nhạc Trịnh cũng như người nghe chúng ta sẽ được gì, ngoại trừ một vài giọt nước nữa trong một dòng nước bao la?

Nói một cách ví von, nếu nhạc Trịnh là một nàng tiên xinh đẹp thì sao ta không thử cho nàng một lần cởi chiếc áo trắng tinh khiết ra để thử khoác vào một chiếc áo xanh, áo hồng? Có thể những chiếc áo đầu không đẹp bằng, nhưng nếu ta không cho nàng thử tiếp thì e rằng nàng sẽ chẳng bao giờ tìm ra được chiếc áo thứ 2 có lẽ cũng sẽ rất đẹp.

Ngày hôm nay, nếu giọng ca và cách thể hiện nhạc Trịnh của Thanh Lam đối với chúng ta chưa đáng làm chiếc áo thì thiết nghĩ cũng đừng nên phản ứng quá tiêu cực, bởi vì nếu hàng rào chúng ta xây quá chặt thì có lẽ trong tương lai sẽ chẳng có nghệ sĩ nào dám đứng ra làm mới nhạc Trịnh một lần nữa.

Ở nước ngoài, việc các ban nhạc rock hát lại những bài kinh điển theo phong cách "hurricance" đã không còn là chuyện hiếm, nên nên chăng chúng ta có một cái nhìn thoáng hơn về vấn đề này ?

Chỉ là thiển ý của riêng tôi, nhưng tôi mong ước sẽ có một ngày có một ban nhạc rock nào đó sẽ hát những bản nhạc Trịnh theo phong cách rock ballad ngọt lịm, hoặc sẽ có một nghệ sĩ nào đó hát theo phong cách opera trong trắng theo kiểu Sarah Brightman. Tôi cũng mong những bản tình ca cách mạng như Tình ca, Tình em... cũng sẽ được phá cách, hát theo kiểu mới thật gần gũi.

Tôi viết bài này không nhằm bênh vực, biện minh cho Thanh Lam. Tôi chỉ mong chúng ta có một cái nhình thoáng hơn về việc thưởng thức và trình diễn âm nhạc, trong đó có nhạc Trịnh. Và xin lưu ý rằng, những kiểu "phá phách" nhạc Trịnh theo kiểu Thanh Lam hiện nay và những kiểu "phá phách" mới có thể diễn ra trong tương lai hoàn toàn chẳng làm hại gì đến nền âm nhạc nước nhà mà ngược lại, có khi nó còn góp vào những gam màu mới cho toàn bức tranh âm nhạc VN hiện đại.

THEQUEEN

Hãy tôn trọng những ý kiến riêng

Nếu chưa ra đi, có lẽ người nhạc sĩ họ Trịnh sẽ lại cười thật hiền khi nghe Thanh Lam hát nhạc của ông. Ông sẽ không trách Thanh Lam đã hát nhạc của ông thế này hay thế kia, mà thay vào đó sẽ là một sự cảm thông...

Khi người ta cảm nhận hay đón nhận một điều gì đó của người khác, điều ấy sẽ chỉ thực sự ở lại hay có ý nghĩa với mình khi chính bản thân mình đã từng trải qua điều ấy. Cũng như một cậu học sinh giải một bài toán, cậu nghe thầy giải và hiểu, nhưng cậu chỉ thực sự hiểu nó và nắm bắt được "cái hồn" của nó khi cậu tự mình ngồi giải lại bài toán ấy một lần nữa hay giải một bài khác tương tự.

Chúng ta, phần lớn đều đến với nhạc Trịnh qua giọng ca Khánh Ly. Vậy Khánh Ly đã hát như thế nào mà lại có thể đưa nhạc Trịnh vào lòng chúng ta như thế? Và tại sao, giờ đây khi nghe Thanh Lam hát, cũng những nốt nhạc ấy, cũng những ca từ ấy, chúng ta lại muốn xua đuổi giọng hát ấy ra khỏi mình?

Khánh Ly không phải là người hát nhạc Trịnh hay nhất. Chẳng có ai hát nhạc Trịnh hay nhất, bởi đơn giản chúng ta làm gì có định nghĩa đầy đủ về thế nào là hát hay? Tất cả chỉ tương đối, và tự nhiên vốn đã vậy. Được ở gần Trịnh Công Sơn trong một thời gian dài, lại có tâm hồn đồng điệu một cách đặc biệt, Khánh Ly là người hiểu Trịnh Công Sơn, hiểu luôn những trải nghiệm của ông cho, dù có thể Khánh Ly chưa từng trải qua những điều ấy. Đó là cái duyên. Và nhờ cái duyên đó, giọng ca Khánh Ly đã thực sự mang nhạc Trịnh đến với chúng ta. Khánh Ly hát nhạc Trịnh bằng cảm nhận của chính mình chứ không phải của người nhạc sĩ.

Trở lại với Thanh Lam. Trước đây, chị cũng đã từng thể hiện những ca khúc của Trịnh Công Sơn theo phong cách mà người ta vẫn thường thể hiện chúng. Và chị đã không để lại nhiều ấn tượng trong dòng nhạc này. Khi ấy, Thanh Lam còn trẻ, đã có những vấp váp trong cuộc sống, đã có những cá tính trong con người mình, nhưng chúng chưa đủ để cô có một cảm nhận khác để từ đó có một cách thể hiện nhạc Trịnh "lạ" như bây giờ.

Ngoài 30 tuổi, có những mất mát, lại sẵn trong mình một sự khát khao mãnh liệt trong nghệ thuật, Thanh Lam đã hát nhạc Trịnh đúng với con người thật của cô. Cô đã hát, có thể gọi là đã gào, đã rống như có người đã từng gọi, nhưng thật sự điều đó có quan trọng lắm không? Thanh Lam đã hát bằng tâm hồn mình, bằng những lao động nghệ thuật nghiêm túc của mình.

Có thể cách cảm nhận của cô và các đồng sự về nhạc Trịnh không giống với nhiều người, nhưng dù thế nào đó là cũng chỉ là một quan niệm, một ý kiến riêng và chúng ta nên giành cho chị một sự tôn trọng.

Sẽ có người nói rằng, chị ta có tôn trọng người nghe đâu mà mình lại phải tôn trọng chị ta? Không ai có thể phủ nhận tiếng hát của Thanh Lam có một chỗ đứng rất tốt trong lòng những người nghe nhạc Việt Nam. Chị không còn thiếu sự nổi tiếng để mà nhờ vào sự thể hiện "phá cách" một tượng đài để đánh bóng tên tuổi mình. Chị đủ thông minh để hiểu rằng sẽ có rất nhiều lời chê, sự phản đối khi chị thể hiện cái nhìn mới trong tâm hồn của mình dành cho nhạc Trịnh.

Vậy tại sao chị vẫn làm thế?  Trước tiên vì Thanh Lam là một người có cá tính và dũng cảm. Điều thứ hai là ước muốn được mang đến người nghe cảm nhận của chính mình chứ không phải của ai khác. Đó là cái tôi của người nghệ sĩ và nhờ cái tôi ấy chúng ta mới có thể có được những sự sáng tạo.

Cũng có thể Thanh Lam đã cảm nhận sai cái hồn của nhạc Trịnh, và nếu thế rồi sẽ có lúc chị nhận ra điều ấy và sẽ sửa sai. Chúng ta hãy hy vọng vào điều ấy hơn là chê bai, dè bỉu, sỉa sói Thanh Lam.

Nhiều người nói Thanh Lam "phá cách" nhạc Trịnh, vậy xin hỏi có ai trong chúng ta biết được chính xác thế nào mới là cách thể hiện nhạc Trịnh chuẩn? Chẳng ai cả...

KAZENKA (một bạn đọc)

Các thao tác trên Tài liệu