Bạn đang ở: Trang chủ / Góc bạn bè / Sinh-hoạt / Nhạc Trịnh: có thể phá cách đến đâu ? / Phá cách nhạc Trịnh : Ý kiến bạn đọc 5

Phá cách nhạc Trịnh : Ý kiến bạn đọc 5

- Webmaster cập nhật lần cuối 21/08/2006 16:06
tuoitre.com.vn, Thứ Ba, 04/10/2005.

Hãy "lặng lẽ nơi này"!

“Lặng lẽ nơi này” để vấn lại “tấm lòng” mình. Để làm gì ư? Tôi chắc chắn rằng mọi người đã biết câu trả lời từ cố nhạc sĩ của chúng ta rồi. Để cho gió cuốn đi. Thế thì ta sẽ được gì? Tại sao lại để cho gió cuốn đi? Mà tại sao lại để cho gió cuốn mà không là nước, là lửa, là đất...

Nếu chúng ta cứ tiếp tục tra hỏi như thế thì cái lòng mình sẽ bấn lên mất. Còn câu trả lời ư, nó sẽ đến không lúc này thì lúc khác. Cuối cùng ta được gì, đó là cái mà chúng ta đang ra sức chứng tỏ mình là người hiểu nhiều, biết nhiều từ mấy câu hỏi và trả lời đó.

Theo tôi nghĩ, khi còn sống cố nhạc sĩ vốn dĩ là người không cần phải chứng tỏ mình, vả lại ông là người biết và hiểu (hay ngộ) được nhiều điều từ đạo Phật, nên ông chắc hẳn không có khái niệm chê bai bất kỳ ai, cứ có chuyện thì “kệ”.

Cái “kệ” của ông là cái kệ của không bỏ mặc, không phủ nhận mà có lẽ là cái “kệ” đối diện và nhìn thẳng vào nó, cho đến lúc ông cảm được cái lý của nó, và rồi thì cứ ngộ ra đó thôi, cái ngộ mà hiện chúng ta đang có được, chính là các sáng tác của ông.

Trên diễn đàn của các bạn tôi đã đọc nhiều, thấy ai cũng có cái lý của mình. Tôi không bàn chuyện đúng, hay sai. Ở đây tôi không muốn lấy ý kiến của bất kỳ ai để áp đặt và bắt một ai đó theo hay không theo ý kiến, nhận xét nào cả.

Tôi chỉ lấy ví dụ của bài Lặng lẽ nơi này theo cách hát của Thanh Lam. Giai điệu phối khí của bài hát nghe mới, rất mới. Cái cách mà cô nhấn nhá, nhả chữ, theo tôi thấy, không phải là cách mà Thanh Lam “phá” nhạc của cố nhạc sĩ TCS. Thanh Lam có cái cách “thấm” được nhạc Trịnh theo cách (và cả hoàn cảnh nữa) của cô. Mà cái cách đó không trùng với số đông của chúng ta.

Có thể là cô đang quá cô đơn đó thôi ! Nên khó mà có được cái cảm của cái “lặng lẽ” như của chúng ta (trong đó có tôi), vả lại là một người nghệ sĩ thì chắc hẳn cái cô đơn đó nó cũng sẽ khác và khiến cho cô dữ dội hơn, để rồi nó chực bộc lộ ra trong cách hát.

Tôi cho là ông cũng đã nói rồi, TCS đã nói “Tình yêu như biển, biển rộng hai vai”. Vậy thì chúng ta đã yêu nhạc TCS thì nên yêu và nghĩ theo cách yêu của ông “biển rộng hai vai”. Lúc đó thì chúng ta sẽ tự nhiên mà gánh (chấp nhận) thêm một cái mới (cách cảm và diễn tả bài hát của ông theo một cách khác, mà chưa hẳn là cách mới, nhưng nó chỉ khác với cách mà số đông chúng ta vẫn cho là đúng). Chứ đừng quá khắt khe với chính tình cảm của mình mà đem nó ra làm phương tiện áp đặt lên người khác.

Thế nên TCS đã tiếp ngay đó thôi: “Tình yêu như biển, biển hẹp tay người”, đến lúc đó thì đúng là ông không muốn thế cho nên mới phải nói ra ngay “lạc lối”. TCS và cả chúng ta nữa đâu có muốn sử dụng các bài hát của ông để làm một phương tiện để chê bai, phê phán người khác, hay nói là để đấu khẩu lẫn nhau. Thế thì còn gì là nhạc của TCS nữa. Nếu thế thì đúng là chúng ta đang thật sự phá hỏng nhạc của ông mất rồi!

Hơn nữa Thanh Lam cũng đâu có làm gì sai phải không? Cô cũng chỉ là một cô ca sĩ như bao ca sĩ khác đã cảm và trót yêu nhạc Trịnh như chúng ta thôi. Nếu không tôi không nghĩ rằng cô đã chọn và hát nhạc của ông (vì đâu có ai bắt cô phải thế). Cái tội (nếu cho là thế) chỉ là cách mà cô cảm nhạc Trịnh theo cách và trong hoàn cảnh của cô thôi.

Còn tại sao lại cảm nhạc của ông theo cách khác lạ thế? Đến đây thì nó đi sâu vào cuộc sống (có thể là riêng tư) của người nghệ sĩ, cho nên tôi không thể tỏ để được nói tiếp. Mà chỉ có thể đoán rằng, trong hoàn cảnh này thì TCS sẽ mỉm cười và nhìn nhận rằng Thanh Lam cũng đã có được cách cảm và hát nhạc của ông theo một cách khác nữa. Đó là sự phong phú của của sống con người!

Thế thì cứ nhìn nó, khoan hãy phê phán nó. Cho đến lúc tự nhiên, hay cố đoán, mà thấy được thì có phải là chúng ta đã có được “một tấm lòng” để cho “gió cuốn đi” đó rồi phải không? Vậy thì khi đó lòng ta sẽ thanh thản và nhẹ nhàng biết bao.

N.T. BAO

Mỗi người đang hát theo cách hiểu riêng của họ

Xin trích dẫn câu trả lời ý nhị của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trên Báo Sóng Nhạc, lúc phóng viên hỏi ông cảm thấy thế nào khi nghe các ca sĩ trẻ ngày nay hát nhạc Trịnh:

“...Có lẽ mỗi người đang hát theo cách hiểu riêng của họ. Đó cũng là điều thú vị khi nỗi lòng của một người được thể hiện qua những cảm nhận của nhiều người và điều đó càng làm cho âm nhạc của tôi thêm phong phú trong lòng công chúng. Đối với những ca sĩ trẻ thì thường phải giảng giải cho họ về nhiều điều, nhưng cũng chỉ có thể giải thích cho những người hiểu được mà thôi...”

TRÚC LY

Các thao tác trên Tài liệu