Phá cách nhạc Trịnh : Ý kiến ca sĩ từng hát nhạc Trịnh
Cẩm Vân
Vì sao nhạc của Trịnh Công Sơn tồn tại đến giờ phút này, đi vào máu vào thịt của mỗi người Việt Nam như những khúc ca dao, dân ca? Vì sao Trịnh Công Sơn có hàng trăm bài mà người nghe vẫn nhận ra? Phải có một tinh thần riêng và rất mạnh thì mới làm được điều đó.
Có thể nhiều bạn ca sĩ trẻ chưa nhập hết hồn trong nhạc Trịnh, nhưng tôi không chỉ trích ai hết vì có nhiều người tìm đến với nhạc Trịnh là một tín hiệu vui. Vấn đề là đừng làm mất đi phong cách và tinh thần vốn có của dòng nhạc này. Nhạc Trịnh Công Sơn là loại nhạc để nghe chứ không phải để "nhìn".
Tôi hát nhạc Trịnh chỉ đơn giản vì tôi yêu nó chứ tôi không có ý định là hát hay hơn một ai cả. Dĩ nhiên là ca sĩ thì luôn cần cái mới, nhưng bản thân nhạc Trịnh là sự mộc mạc nên sự sáng tạo cũng phải trong chừng mực. Ai nói tôi nhà quê, bướng bỉnh thì tôi chịu chứ tôi không muốn phá vỡ hình ảnh của mình từ trước đến nay, nhất là với âm nhạc của Trịnh Công Sơn. Tôi không có ý định biến anh Sơn thành một người khác.
Thanh Lam
Nhạc Trịnh Công Sơn mang âm hưởng buồn, những tâm tình luôn rỉ rả, không có tính chất quyết liệt. Nhưng tôi hát nhạc Trịnh với những cảm xúc riêng của mình và muốn thổi vào đó một luồng sinh khí mới của một người phụ nữ đương đại chứ không phải là một cách hát buông xuôi, trễ nải. Tôi không thích lặp lại những gì người khác đã làm.
Người nghe đã quen với lối giản dị của nhạc Trịnh trước đây và tôi biết mình là một người rất mãnh liệt nên đã cố kìm nén rất nhiều khi hát. Nếu tôi hát cho thoả sức chắc sẽ còn "táo tợn" hơn nữa. Tôi đã cân bằng khát vọng với cảm xúc của một người đàn bà.
Dù là một người khá cực đoan trong nghề, tự tin về những gì mình làm và hầu như không quan tâm lắm đến những ý kiến xung quanh, nhưng tôi đã hát nhạc Trịnh từ những cảm xúc của con tim mình, với một sự tôn trọng rất lớn. Có thể điều tôi làm chưa phù hợp trong thời điểm này, nhưng với thời gian hy vọng nó sẽ tạo ra một hướng nghe khác cho người thưởng thức nhạc Trịnh. Tôi không có ý định đạp đổ một lối đi hay quan niệm nào cả mà chỉ muốn mang đến một xu hướng mới.
Hồng Nhung :
Nhạc Trịnh Công Sơn là nhạc của tất cả mọi người, người chuyên có thể hát dở, người không chuyên có thể hát hay. Mỗi người sẽ hát nhạc Trịnh bằng cảm nhận của họ. Tôi hoàn toàn tôn trọng những lối thể hiện khác nhau của những đồng nghiệp của mình.
Phương Thanh :
Nhạc Trịnh mộc mạc và Khánh Ly là giọng ca phù hợp nhất, không ai dám cãi điều đó. Nhưng theo thời gian, nhạc Trịnh cũng cần đến với nhiều người hơn, người ta cũng cần nghe nhạc Trịnh được hát mới như thế nào. Như trường hợp của tôi, cách hát của tôi cũng kéo được những khán giả trẻ đến với nhạc Trịnh. Không ai muốn làm cho nhạc Trịnh dở hơn cả, những ca sĩ sau này đều muốn làm mới và duy trì nó đến nhiều thế hệ hơn.
Nhạc Trịnh khá mới với tôi. Người ta không tin Phương Thanh có thể hát nhạc Trịnh vì vậy tôi càng muốn chứng minh với mọi người. Hát nhạc Trịnh tưởng đơn giản nhưng thật ra không hề đơn giản chút nào. Tôi vẫn hát nhạc Trịnh rất mộc, có người thích nhưng cũng có người không thích lối hát này. Không thể nào bắt 100% khán giả tán đồng với mình được. Tôi đồng ý với quan điểm: suy nghĩ và tình cảm khi hát nhạc Trịnh phải mộc, nhưng cách xử lý thì có thể thay đổi. Tùy thuộc vào từng bài mà có cách hát cho phù hợp. Bản thân tôi cũng đã làm cho nhạc Trịnh khác hơn bằng cách ngắt câu của mình. Tất nhiên phải trong khuôn khổ của sự hợp lý".
Quang Dũng :
Nhạc của Trịnh Công Sơn đôi khi chỉ cần trình bày với một cây guitar là đủ. Tôi vẫn muốn trung thành với lối thể hiện từ trước đến nay của mình. Nhiều sự thay đổi gần đây tuy đã mở ra một hướng mới nhưng chưa thật sự đi vào cái hồn của nhạc Trịnh.
Từ xưa đến nay, người trình bày nhạc Trịnh thành công thường là những giọng ca nữ. Giọng ca nam hát nhạc Trịnh thì sẽ mang một nội tâm khác, giống như đang nói lời, suy nghĩ, tính cách của tác giả, có lẽ phải cần chất đời trong đó nhiều hơn. Giọng ca nữ là một sự bay bổng và quyến rũ theo sự bay bổng đó.
Ca sĩ có thể hòa âm, kết hợp cái này cái nọ vào nhạc Trịnh nhưng nên giữ cái hồn vốn có, sự giản dị của nhạc Trịnh. Lãng tử hay lãng du thì cách hòa âm và cách hát đều phải nhất quán, chứ không thể pha trộn một cách tùy tiện.
Đàm Vĩnh Hưng :
Nhạc Trịnh Công Sơn không viết cho riêng ai cả, vì vậy xu hướng thể hiện đa dạng và luôn đổi mới là điều không thể khác. Khi sinh thời Trịnh Công Sơn cũng từng nói rằng một ca khúc ông viết ra được hát đã là hạnh phúc rồi. Nếu ông còn sống, tôi nghĩ ông cũng sẽ hài lòng với những sự thể hiện mới này thôi. Tôi phản đối chuyện đánh giá, chỉ trích những cách thể hiện mới của nhạc Trịnh. Nếu muốn nghe Khánh Ly, Cẩm Vân, Hồng Nhung, Quang Dũng thì mọi người cứ nghe, còn những ca sĩ có cách trình bày mới có khán giả riêng của họ.
Đức Tuấn :
Tôi hoàn toàn tán đồng với cách phối lại nhạc Trịnh sau này vì âm nhạc cần phải phù hợp với hơi thở của thời đại. Đó là xu hướng chung. Mỗi cách thể hiện đều có cái hay riêng của nó. Biết đâu 30 năm sau người ta không còn nhắc đến những ca khúc của Trịnh Công Sơn với tên của Khánh Ly nữa, mà chỉ nhắc đến với tên của Hồng Nhung thì sao.
vnexpress.net
Thứ bảy, 1/10/2005
Các thao tác trên Tài liệu