Bạn đang ở: Trang chủ / Góc bạn bè / Sinh-hoạt / [2005] Đêm thần thoại / Đêm thần thoại có gì mới?

Đêm thần thoại có gì mới?

- Webmaster cập nhật lần cuối 21/08/2006 16:06
Dưới chủ đề Trịnh Công Sơn - đêm thần thoại (*) là hàng chữ "Một cuộc trình diễn âm nhạc/thị giác", nhưng đạo diễn chương trình Phạm Hoàng Nam nhấn mạnh những gì gọi là "thị giác" trong chương trình đều nhằm giúp cho phần nghe. Tuy nhiên đây lại là cách nghe nhạc Trịnh của những người trẻ...
Ca sĩ Trần Thu Hà
Ca sĩ Trần Thu Hà sẽ từ Mỹ
về tham gia Đêm thần thoại
- Ảnh: T.T.D.

Sẽ là nhạc kịch

Nhạc Trịnh, cũng như những loại nhạc khác, cần có những thể nghiệm mới. Nhạc Trịnh cũng cần có chiếc áo mới để có thể "quyến rũ" những công dân thời @, vốn thích chất thơ trong nhạc Trịnh nhưng lại chưa hài lòng lắm với kết cấu âm nhạc tương đối đơn giản của ông.

Và êkip làm chương trình Trịnh Công Sơn - đêm thần thoại (gồm đạo diễn Phạm Hoàng Nam - từng thành công với Như một lời chia tay bốn năm trước đây, biên tập âm nhạc Quốc Bảo, hòa âm Quốc Bảo - Võ Thiện Thanh...) đã rất tự tin với ý tưởng "làm mới" nhạc Trịnh này.

Có thể tạm gọi Trịnh Công Sơn - đêm thần thoại (tựa đề dựa theo ca từ Gọi tên bốn mùa: Ôi tóc em dài đêm thần thoại) là một chương trình mang dáng dấp nhạc kịch.

23 ca khúc (trong đó có ca khúc Đêm lần đầu tiên được công bố) sẽ được sắp xếp vào ba chương: Tình yêu, Thân phận và Kinh tình yêu với những cung bậc cảm xúc khác nhau từ giai đoạn tình yêu chớm nở, quen nhau, nồng thắm và tan vỡ...

Mỗi ca sĩ (Hồng Nhung, Trần Thu Hà, Quang Dũng, Hồ Quỳnh Hương, Hồ Ngọc Hà, Đức Tuấn, Anh Bằng, nhóm AC&M, Năm Dòng Kẻ) sẽ là một nhân vật, đại diện cho một tâm trạng, cảm xúc khác nhau. Nhóm hợp xướng Suối Việt, nhóm nhạc giao hưởng thính phòng TP.HCM với các nghệ sĩ Tăng Thành Nam (violon), Hoài Sa (piano), Mai Ý Nhi (harp), Đằng Phương (programmer) đảm trách phần nền khiến nhạc Trịnh chưa bao giờ đầy đặn như vậy.

Với sân khấu ảo

Trên sân khấu chỉ chỏng chơ những bậc thang. Những thước phim video không được trọng dụng, chỉ có slide (những hình ảnh xuất hiện trên sân khấu nhờ máy chiếu) là phát huy tối đa hiệu quả. Một sân khấu hoàn toàn ảo, đơn giản nhưng nhiều biến hóa, tương đối tĩnh mịch, có chủ ý về ánh sáng (thế mạnh của đạo diễn).

Phạm Hoàng Nam cho rằng sân khấu như thế gần giống với chất nhạc Trịnh: giản dị trong giai điệu nhưng đa chiều, phức tạp, biến hóa trong ca từ. Sự dàn dựng cho sân khấu có chăng chỉ là ở những tiết mục múa sắp đặt.

Và còn "chiêu" gì nữa? Toàn bộ phục trang cũng được dàn dựng theo phong cách cổ điển - hiện đại với màu trắng chủ đạo giúp dễ dàng cho phần "đánh" đèn. Tất cả sẽ do nhà thiết kế trẻ Thanh Tùng thực hiện.


QUỲNH NGUYỄN
www.tuoitre.com.vn,
thứ hai, 19/09/2005

Các thao tác trên Tài liệu