Đức Tuấn thích hát trên sân khấu sang trọng, chuẩn mực
- Được xem là một phát hiện mới của nhạc Trịnh Công Sơn, anh nghĩ sao về việc gắn sự nghiệp ca hát của mình với dòng nhạc này?
- Với nhạc Trịnh, tôi hát cho mình thì đã từ lâu, nhưng hát với mọi người thì chỉ mới gần đây và cũng có một lượng khán giả nhất định ở Bình Quới. Sau chương trình Đêm thần thoại vừa rồi thì sự công nhận lại nhiều và rộng rãi hơn. Tuy nhiên, tôi không có ý định trở thành một ca sĩ chuyên hát nhạc Trịnh hay một dòng nhạc của riêng nhạc sĩ nào. Tôi chỉ muốn thể hiện thật tốt tất cả những thể loại âm nhạc mà tôi cảm thấy thích hợp với giọng hát và tâm hồn của mình.
- Anh nghĩ gì về trào lưu các ca sĩ "đổ xô" đi hát nhạc Trịnh hiện nay?
- Nhạc Trịnh hình như hợp với mọi người mà lại không hợp với ai, có thể dở với một giọng ca chuyên nghiệp và hay với một giọng ca không chuyên. Nhưng chắc một điều rằng ai biết hát nhạc Trịnh là biết kể chuyện của mình. Có những lúc hát, tôi cảm thấy không có duyên nhưng có lúc lại cảm thấy như được viết cho chính mình.
- Không chỉ đơn thuần thể hiện, nhiều ca sĩ đã thay đổi, làm mới nhạc Trịnh. Anh đánh giá thế nào về điều này?
- Âm nhạc cần phải phù hợp với hơi thở của thời đại. Đó là xu hướng chung của thế giới. Bằng chứng là nhạc của The Beatles sau này cũng đã được rất nhiều nhóm phối lại, hát bằng phong cách mới, tư tưởng mới rất thành công. Mỗi cách thể hiện đều có cái hay riêng của nó. Biết đâu 30 năm sau người ta không còn nhắc đến những ca khúc của Trịnh Công Sơn với tên của Khánh Ly nữa, mà chỉ nhắc đến với tên của Hồng Nhung thì sao.
- Dòng nhạc bán cổ điển và những ca khúc tiền chiến có gì quyến rũ anh?
- Các dòng nhạc khác có thể di chuyển nhiều hướng nhưng dòng bán cổ điển thì có lối đi riêng và vẫn di chuyển trên đúng một đường thẳng. Sự lựa chọn của tôi một phần là vì như vậy, phần còn lại là vì chất giọng của tôi phù hợp. Tôi thích được hát trên một sân khấu sang trọng, chuẩn mực, khán giả ngồi yên nghe ca sĩ hát, không cần phải gào thét một cách đình đám.
Còn với những ca khúc tiền chiến, không biết có phải là duyên phận không khi tôi nhận được rất nhiều tình cảm của những nhạc sĩ lớn tuổi: Phạm Duy, Phạm Trọng Cầu, Nguyễn Ánh 9... Họ yêu thương tôi như con và tin tưởng giao nhiều "trọng trách".
Nhiều người cũng nghĩ rằng tôi đi theo lối của Quang Dũng. Nhưng nếu nghe tôi hát thì chắc chắn sẽ cảm nhận được sự khác biệt giữa trong cách lựa chọn của tôi và anh ấy. Quang Dũng hát những bài mới theo lối xưa, cách thể hiện gần gũi, êm ả, còn tôi thì hát những bài xưa theo lối mới, có rộn ràng, nhiều sắc thái hơn một chút. Những ca khúc tôi hát có thể sẽ khó được nhiều khán giả đón nhận, nhưng tôi chấp nhận điều đó.
- Nhiều người cho rằng Đức Tuấn hội đủ tất cả những yếu tố để trở thành một ngôi sao ca nhạc, nhưng đến nay vẫn còn nhiều lận đận. Anh nghĩ sao?
- Tôi nghĩ nhận xét đó đúng vì tôi đi hát là để thỏa niềm đam mê cái đã, còn tất cả những chuyện khác thì hầu như không quan tâm lắm. Vả lại, đôi khi tôi cũng cố làm cho con đường của mình đi không giống ai nên có hơi chậm là điều tất nhiên. Chăm chỉ để thể hiện sự bứt phá cũng là một cách, vì tôi rất thích chậm mà chắc.
Lâu lâu tôi cứ nghêu ngao Một cõi đi về, thấy câu "Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt..." sao đúng với mình quá. Con đường của dòng nhạc tiền chiến, phong cách bán cổ điển là một sự lựa chọn từ ban đầu và đến nay tôi vẫn trung thành với nó.
- Đêm nhạc riêng của anh vừa rồi mang tên "My Romance", đó là sự khẳng định về dòng nhạc hay về con người của Đức Tuấn?
- Cả hai. Dòng nhạc thì đã rõ. Còn phần con người, tôi cũng thuộc dạng lãng mạn nhưng có lẽ nó nằm bên trong nhiều hơn. Người ta nói Đức Tuấn trên sân khấu và ngoài đời rất khác biệt. Trên sân khấu là một nét đạo mạo, chững chạc nhưng ngoài đời lại trẻ con, khá cởi mở và thích chủ nghĩa tự do.
Đỗ Duy thực hiện
vnexpress.net
Thứ năm, 29/9/2005
Các thao tác trên Tài liệu