'Đêm thần thoại' - không gian mới của nhạc Trịnh
trong một không gian rất "Trịnh"
Đúng như lời hứa ban đầu của những người thực hiện, Đêm thần thoại đã làm được việc là xâu chuỗi những cảm xúc về tình yêu của Trịnh Công Sơn từ những rung động ngây thơ bồng bột đến phút say đắm nồng nàn của một tình yêu mãnh liệt... Đêm diễn gợi nhiều cảm xúc mới trong lòng người xem về âm nhạc vốn nhiều triết lý của người từng được gọi là "đạo sĩ".
Ý tưởng "sáng" nhất của đạo diễn Phạm Hoàng Nam chính là kết nối các bài hát bằng chính nhạc Trịnh. Sự nhuần nhuyễn trong xử lý nội dung của Đêm thần thoại chứng tỏ đạo diễn đã có những cảm thụ rất sâu về âm nhạc của Trịnh Công Sơn. Tình yêu, Thân phận và Kinh tình yêu đã được kể thành một câu chuyện liền mạch, khá nhuần nhị trong một không gian giản dị nhưng không kém phần sang trọng. Chỉ với 4 bức tường và 2 ô cửa nhỏ nhưng đã trở thành rất nhiều hình ảnh đẹp: bức tường rêu phong trong Chuyện đóa Quỳnh, ngôi nhà với ánh sáng nhẹ nhàng của nến và khung cửa lộng gió trong Tôi ru em ngủ, bức tranh rực rỡ trong Hoa vàng mấy độ... Cảnh trí sân khấu cùng phần múa minh họa công phu, nhiều xúc cảm của Thảo Dung góp phần một cách từ tốn vào âm nhạc vốn đã "liêu trai" của Trịnh Công Sơn.
với Một cõi đi về
Nổi bật nhất trong Đêm thần thoại là phần trình diễn nồng nàn nhưng cũng không thiếu sự bay bổng của Hà Trần. Cô đã làm cho Nắng thủy tinh và Lời thiên thu gọi đẹp một cách nhẹ nhàng, lãng mạn khiến nhiều khán giả "chợt hồn buồn dâng mênh mang". Hồng Nhung với Này em có nhớ, Thuở Bống là người, Quang Dũng với Tình xa, Bên đời hiu quạnh vẫn với lối hát sâu lắng, chứa đựng nhiều xúc cảm, làm động lòng người xem. Đức Tuấn với chất giọng cao và sáng cũng rất xuất thần trong Tôi ru em ngủ và Chiếc lá thu phai. Bốn người bốn vẻ thổi hồn cho nhạc Trịnh một cách mê say.
Phần của các ca sĩ còn lại được nhận xét là hay nhưng đều chưa... vẹn. Hồ Ngọc Hà sau khi hát xong Hoa vàng mấy độ khá nét thì đến ca khúc đinh, Một cõi đi về, lại thể hiện sự non nớt với lối trình diễn có phần hơi nhấn nhá. Bài hát được phát lại qua đĩa bởi chính giọng ca của tác giả trước đó mộc mạc, giản dị, gần gũi bao nhiêu thì Hà lại làm cho ca khúc "lâm ly" bấy nhiêu. Hồ Quỳnh Hương là ca sĩ mở màn nhưng lại trở nên lu mờ nhất trong đêm diễn. Một chút trật nhịp ngay từ đầu của Chuyện đóa Quỳnh đã gây không ít bối rối, cô hầu như không còn để tâm nhiều vào bài hát sau đó.
"Ca từ phải được đặt lên trên hết", nhận xét tưởng chừng như không còn xa lạ với những người yêu nhạc Trịnh lại trở thành điểm yếu của 2 nhóm ca và ca sĩ Anh Bằng lần này. 5 Dòng Kẻ phối bè rất tốt trong Xin cho tôi nhưng chính "kỹ thuật hóa" của các cô khiến cho những ca từ đẹp của ca khúc không còn có dịp tỏa sáng. Tương tự như vậy là trường hợp của AC&M với ca khúc lần đầu được công bố Đêm. Còn hiệp sĩ áo đen Anh Bằng với thân hình có phần hơi "phì nhiêu" và bộ quần áo ôm sát người múa lượn, khoe giọng cao giữa một không gian âm nhạc không thích hợp đã làm cả nhà hát Hòa Bình phải... bật cười. "Chi tiết này hoàn toàn có thể lược bỏ mà không ảnh hưởng đến nội dung chương trình", nhiều khán giả nhận xét.
Dù xảy ra khá nhiều sự cố, nhưng có thể nói Đêm thần thoại là một chương trình được đầu tư khá nghiêm túc, có chất lượng nghệ thuật cao, xứng đáng với tầm vóc của một đêm nhạc Trịnh. Điều đáng nói là đạo diễn Phạm Hoàng Nam và những ca sĩ trong chương trình đã mang đến cho nhạc Trịnh một hơi thở mới, nhiều sắc thái, một chút rộn ràng bên cạnh sự trầm lắng vốn có của nhạc Trịnh.
Đỗ Duy
VNExpress.net - Thứ năm, 22/9/2005
Các thao tác trên Tài liệu