Bạn đang ở: Trang chủ / Góc bạn bè / Sinh-hoạt / [2014] Kỷ niệm 13 năm / Trịnh Công Sơn hay dấu nối đa thanh giữa hiện sinh và hoài niệm

Trịnh Công Sơn hay dấu nối đa thanh giữa hiện sinh và hoài niệm

- Webmaster cập nhật lần cuối 31/03/2014 17:36
Bùi Đức Hào, 25/03/2014

Khi Lee Kirby hay Kyo York cất cao những lời ca Diễm xưa 1, Hạ trắng 2..., hoặc khi Richard Fuller 3 ngân nga các giai điệu Ca khúc da vàng, những người bạn Anh, Mỹ hoàn toàn khác nhau về tuổi tác lẫn quá khứ này không chỉ đơn thuần hát Trịnh Công Sơn, mà chính là Trịnh Công Sơn hát trong lòng họ.

Như Trịnh đã hát với mọi người, mọi nơi trên khắp miền đất nước, và xa hơn nữa.

Có nghệ sĩ Việt Nam nào, dù đã được coi là lớn đến đâu, được đồng thanh ngưỡng mộ như thế ? Làm sao quên được : từ trẻ đến già, từ học sinh, sinh viên đến người bán buôn, lao động, từ anh trí thức đến cô gái giang hồ, hàng hàng lớp lớp, cả mấy ngàn người đã xúc động đi theo linh cữu, trong ngày tiễn đưa Trịnh Công Sơn về nơi an nghỉ cuối cùng, một buổi sáng mùa xuân cách đây đúng 13 năm.

Từ đó, không năm nào lại thiếu cuộc hội ngộ ân tình với nhạc Trịnh, cuộc gặp gỡ nghĩa tình để nối chung vòng tay sông núi Công Sơn.

Một góc nhìn mộ Trịnh Công Sơn
Một góc nhìn mộ Trịnh Công Sơn 4

Trong suốt mười năm liền, sự kiện ấn tượng quan trọng và cảm động nhất cho khu du lịch Bình Quới có lẽ là những đoàn người ấy, tưng bừng nối đuôi nhau, từ khắp nẻo đường kéo về điểm hẹn : một Woodstock Việt Nam được liên tục tái tạo vào mỗi dịp « giỗ Trịnh Công Sơn » với đủ mọi lứa tuổi 5, thành phần -là điều cực hiếm !-, mà mẫu số chung hẳn không chỉ có riêng lòng yêu nhạc...


Hai khuôn mặt trẻ Hoàng Quyên và Đinh Hương sẽ tham gia đêm trình diễn nhạc Trịnh 20145

Có một Trịnh Công Sơn phê phán, chứng nhân hay phản kháng, lý tưởng, hoặc thiền tịnh, triết nhân. Nhưng gần gũi hơn hết hẳn là một Trịnh Công Sơn thong dong ngụp lặn giữa dòng đời của Một ngày như mọi ngày, của hy vọng, tình yêu, đam mê và độ lượng.

Văn Cao có lần kể Nguyễn Xuân Khoát đã từng đánh giá « Trịnh Công Sơn viết dễ như lấy chữ từ trong túi ra », và tác giả Tiến quân ca cho rằng « cái quyến rũ của nhạc Trịnh Công Sơn có lẽ chính là chỗ đó » 6. Nghệ thuật, quả thực, có ma lực hấp dẫn khi nó chạm lòng người. Nghĩa là khi nó nói lên được bằng ngôn ngữ phù hợp nhất những điều sâu kín, thiết thân cho đại chúng, trong mỗi mảnh đời.

Tuổi trẻ hôm nay khám phá nhạc Trịnh chắc chắn theo một cách khác với lớp « cựu học sinh » những thập niên 1960-70 ở Miền Nam. Nhưng giữa họ vẫn là chung, một tâm thế tự do, khát khao, thành khẩn. Vẫn là cùng, một sự cuốn hút mãnh liệt, như cho bất cứ ai đã từng say đắm, ngất ngây trong những cơn mê chiều hay tê tái xót xa buồn như giọt máu. Hoặc bơ vơ, khắc khoải giữa Trời cao đất rộng, một mình tôi đi...

Hiện thực nhân thế không đổi. Tác phẩm Trịnh Công Sơn vẫn là một. Song, nếu tuổi trẻ hôm nay - dù ở trong hay ngoài nước- đi thẳng đến tác phẩm với ngồn ngộn những cảm nhận tức thì, hừng hực tin yêu , bằng những trải nghiệm mơn man tươi mới, thì thế hệ 1960 dường như hay chọn con đường vòng miên man hồi nội : họ mượn tác phẩm để tìm lại những khung trời đã mất.

Ở họ, không còn cái cảm giác trực nhận từ cảnh thế nhân sinh căng tràn từng giây từng phút qua tác phẩm, mà là sự ngẫm ngợi chắt chiu những hình ảnh đã đi qua một quãng đời :

Em đi về nơi ấy, nơi đâu nơi đâu, sông cạn đá mòn
Trăng treo đầu con sóng, tan theo tan theo chút tình xa vắng...

Thực tại được tái hiện nơi đáy nước một Tương giang u hoài, trầm lắng trong ký ức, tâm tư : Lặng lẽ nơi này, phải chăng đó cũng chính là tiếng lòng, tiếng kêu thương của muôn vạn cái tôi, của một giai đoạn lịch sử ?

Tình yêu ư : Tình yêu như biển, biển hẹp tay người, biển hẹp tay người lạc lối. Biển hẹp hay người hẹp ? Nguyên Sa đã trả lời thay cho chúng ta về trải nghiệm tay người :

Giữa một kiếp sống nhá nhem,
Nên đời người sờ soạng
Giữa những hố hầm cách bức
Nên bàn tay đóng cửa những bàn tay
(Nước ngọt)

Cuộc đời ư : Đời như vô tận, một mình tôi về, một mình tôi về, với tôi.

Ước nguyền ư : Lời hẹn thề là những cơn mưa...

Mưa dằng dặc, mưa vật vã, mưa hắt hiu, đã khiến Trịnh phải thốt lên, trong cuộc tao ngộ bất ngờ với thi nhân :

Đôi khi trên mái tình ta, nghe những giọt mưa
(Tình xa)

Bởi cũng chính những giọt mưa xa vắng này đã làm vấn vương một tâm hồn Huy Cận :

Tai nương nước giọt mái nhà
Nghe trời nằng nặng nghe ta buồn buồn
(Buồn đêm mưa)

Những duyên ngộ đó, người trẻ hôm nay rất có thể tình cờ có được, đẹp và choáng ngợp như ánh sáng tinh khôi của mối tình đầu. Còn với thế hệ 1960, cuộc hạnh ngộ - nếu có - sẽ là cuộc trùng phùng sau bao cách xa, u uẩn, sẽ phảng phất âm hao một Giọt chiều trên lá, Như mắt người cười giữa chiều phai (Chiều trên quê hương tôi) : những nhạt nhòa mà nhạc Trịnh được khẩn khoản trông chờ, được hát lên như một niệm khúc, để làm sống lại những vóc dáng hình hài nguyên thủy.

Tác phẩm, từ vị trí chiếc cầu bắc về dĩ vãng, bỗng trở thành một phép lạ phục hồi cả không gian huyền thoại thuở thanh xuân :

Người ngỡ đã xa xưa, nhưng người bỗng lại về
(Tình nhớ)

Nhạc Trịnh đã tái hiện những chân trời mơ ước. Không gian của Trịnh được chiêm ngưỡng, cập nhật, hóa thân 7, để thênh thang nhập vào hiện tại. Một hiện tại đầy dằng co, cay đắng, bi phẫn, không ngớt kêu đòi những giá trị : Đừng tuyệt vọng, tôi ơi đừng tuyệt vọng (Tôi ơi đừng tuyệt vọng).

Giá trị, đó cũng là tâm điểm những vòng xoáy suy tư của con người trước sau sống trung thực với Quê Hương, với Trịnh, với chính mình, qua bao dâu bể trên mảnh đất đa đoan này, mảnh đất mà Trịnh đã chọn bên bao triệu người khác. Giá trị, do đó, cũng đồng nghĩa với bản sắc dưới vòm trời nơi đây, với đích thực tâm hồn theo hai mùa mưa nắng. Không màu mè diễn ngôn. Không rêu rao lạc hướng. Không lừa mị lòng người.

Một sự nhất trí tuyệt vời trong tâm thức, khởi từ tiềm thức một dân tộc luôn biết bám giữ cái lõi cốt của tồn tại.

Giữa tuổi trẻ và thế hệ đàn anh, giữa trực cảm và hoài cảm, người ca thơ 8, đã hiện ra như một cầu vồng kỳ diệu, nối kết những tâm hồn thiết tha rộng mở : nhạc Trịnh, như mọi tác phẩm, đương nhiên rồi phải có tuổi về mặt hình thức nghệ thuật, nhưng với tư cách chứng từ sáng tạo của thời đại và nội tâm, ai dám bảo nó sẽ không là di sản thanh tao mãi mãi đi sâu vào lòng dân tộc ?

Bùi Đức Hào
Viết trong dịp 13 năm tưởng nhớ Trịnh Công Sơn




Chú thích :
1 Lee Kirby người Anh hat Diem xua, youtube.com

2 Hạ trắng - anh Tây Kyo York hát nhạc Trịnh!, youtube.com;
Xem thêm : Les expatriés au Vietnam qui sont passionnés par la musique vietnamienne, NCP, le blog du Vietnam, 23 août, 2013

3 Người con gái Việt Nam, youtube.com

4 Mộ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đẹp lạ lùng, , Vũ Sơn, kienthuc.net.vn

5 Những điểm mới trong đêm nhạc 13 năm tưởng nhớ Trịnh Công Sơn, tcs-home.org

6 Tôi gọi Trịnh Công Sơn là người thơ ca, tcs-home.org

7 Xem một số bài gần đây như :
Những kỷ vật của Trịnh Công Sơn về với “Gác Trịnh”, TIẾN LONG, tuoitre.vn;
Trịnh Công Sơn dưới góc nhìn “đảo ngược”, TIẾN LONG, tuoitre.vn, 12/01/2014;
Sắc màu hoài niệm, VÕ XUÂN HUY, tuoitre.vn

8 Xem thêm : Đêm nhạc Trịnh Công Sơn người ca thơhoadongnoi.org



Nguồn : tác giả gửi đến tcs-home.org

Các thao tác trên Tài liệu